Làm vườn hữu cơ khó mà dễ

Sáng nay (19/4), Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với AsianDHRRA tổ chức Diễn đàn 'Làm vườn hữu cơ'.

Cơ hội

Hiện, hầu hết người tiêu dùng đều hiểu thực phẩm được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ là thực phẩm an toàn cao cấp được sản xuất theo một quy trình nghiêm ngặt không sử dụng hóa chất, chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, làm cỏ bằng tay hoặc cơ giới và phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp thủ công cơ giới, sinh học mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ cũng không cho phép sử dụng các vật liệu biến đổi gen trong quá trình sản xuất. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hữu cơ đã quảng cáo nguyên tắc “6 không” trong quy trình sản xuất của mình gồm: Không phân bón hóa học; không thuốc trừ cỏ; không thuốc trừ sâu hóa học; không chất kích thích tăng trưởng; không hóa chất bảo quản; không biến đổi gen. Để có sản phẩm hữu cơ, người sản xuất phải thực hiện các quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC, trong đó có những quy định chặt chẽ hơn cả tiêu chuẩn Global GAP hoặc tương đương.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng. Đặc biệt, các sản phẩm hữu cơ của nghề làm vườn (Organic horticulture) như rau, quả… có thị trường rất rộng lớn, giá trị cao, đang tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp và người sản xuất.

Nói về cơ hội làm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng phân tích: Nước ta nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng.

Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hóa chất rất phù hợp cho nuôi ong, chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ.

Hiện, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước nông nghiệp và nhiều chế chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hóa học trong bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp cũng là một lợi thế lớn trong sản xuất NNHC ở nước ta do sản xuất theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động thủ công.

“Nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi có tiềm năng, lợi thế của nhiều quốc gia, trong đó có nước ta, nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cần có các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển hướng sản xuất đầy triển vọng này”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh.

Thách thức

Bên cạnh những thuận lợi có được thì cũng không ít khó khăn và thách thức được đặt ra đối với NNHC ở Việt Nam.

Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, đặc biệt ở nước ta khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại.

Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ dễ dẫn đến rủi ro bùng phát dịch hại và năng suất giảm nhiều.

Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ NNHC thường cao gấp 2-4 lần bình thường, ngoài ra trong nhiều trường hợp sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt (ví dụ vẫn có một số đốm bệnh, vết sâu ăn trên sản phẩm…).

Phần lớn các hộ nông dân Việt Nam sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để cùng sản xuất hữu cơ. Nhận thức của người sản xuất về NNHC còn hạn chế, vì vậy việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC là một thách thức lớn.

Rau sạch có thể ăn ngay tại ruộng của VinEco tại Tam Đảo.

Mức sống của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp và nhận thức về NNHC chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, do vậy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn không nhỏ về vấn đề tiêu thụ.

Chính sách, pháp luật để thúc đẩy, hỗ trợ NNHC phát triển ở nước ta còn thiếu. Đặc biệt, hiện nay ở nước ta vẫn chưa có chiến lược rõ ràng về phát triển NNHC, chưa có tổ chức nào được cấp phép là tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ, kể cả việc áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS mặc dù được IFOAM công nhận nhưng cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận chính thức để áp dụng.

Để thúc đẩy phát triển NNHC cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, ở nước ta, chính sách, pháp luật liên quan đến NNHC còn thiếu và đây là nút thắt chính cần tháo gỡ để mở đường cho sự phát triển của NNHC trong những năm tới.

Tiềm năng lớn

GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch TƯ Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, tiềm năng phát triển kinh tế vườn VAC theo hướng hữu cơ ở nước ta là rất to lớn. Đất để làm vườn có trên 1 triệu ha trong đó đất vườn tạp khoảng 328.000ha, đất có mặt nước chưa sử dụng 370.000ha, với trên 10 triệu ha đất nông nghiệp hàng năm nước ta có trên 45 triệu tấn rơm rạ với 37 triệu gia súc, trên 300 triệu gia cầm, phế thải chăn nuôi tạo ra 85 triệu tấn phân bón hữu cơ, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ nói chung và kinh tế vườn hữu cơ nói riêng.

Kinh tế vườn 50 năm trước đây vốn là nền nông nghiệp hữu cơ chưa có nông dân nào dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh hóa học cho mảnh vườn nhà mình. Có thể nói kinh tế vườn hữu cơ trước đây mang tính truyền thống nhưng lạc hậu dẫn đến sản phẩm VAC là hữu cơ thơm ngon nhưng không sạch do thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình tái sinh năng lượng.

Kinh tế vườn hiện nay đang có xu thế phát triển mạnh do nông dân chuyển dần đất lúa sang làm vườn, tăng cường khai thác đất rừng, cải tạo đất cát, đất trũng để phát triển diện tích làm VAC.

Phương hướng phát triển kinh tế vườn hữu cơ

Theo GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch TƯ Hội Làm vườn Việt Nam, để thúc đẩy phát triển kinh tế vườn hữu cơ cần vạch ra những phương hướng sau:

Thứ nhất, vườn mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu là cốt lõi của chương trình nông thôn mới giai đoạn II của chương trình MTQG về nông thôn mới. Do đó, cần quy hoạch sắp xếp lại vườn để khuôn viên hộ gia đình luôn xanh, sạch, đẹp, môi trường an lành, đủ điều kiện để phát triển sản xuất VAC theo hướng ATTP và nông nghiệp hữu cơ.

Thứ hai, kinh tế vườn cần đặt trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Vì kinh tế vườn VAC là giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phát triển các loại nông sản có lợi thế so sánh như phát triển rau quả đặc sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu và như chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, rau quả là mặt hàng ưu tiên phát triển sau thủy sản, ưu tiên hơn trồng lúa nước.

Thứ ba, phát triển kinh tế vườn là hướng làm giàu của nông dân và đất nước, đã có rất nhiều chủ trang trại VAC hiện nay vốn là người nghèo, do làm vườn mà trở lên giàu có, thuê đất mở rộng làm vườn.

Thứ tư, cần phát triển đa dạng các loại hình vườn để cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân, như: Vườn dàn, vườn chậu, vườn treo, vườn trên trần, mái nhà; vườn chuyên canh, vườn sinh thái kết hợp du lịch...

Thứ năm, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp bằng cách chặt bỏ cây già cỗi, sâu bệnh, chất lượng kém. Ghép đoạn cành giống tốt thực hiện đốn tỉa tạo tán, bọc quả.

Thứ sáu, phát triển kinh tế vườn theo hướng ATTP, nông nghiệp hữu cơ là chủ đạo.

Ngoài ra, phải giải quyết được nguồn nước tưới sạch, thực hiện chế biến toàn bộ phế thải trồng trọt, chăn nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thuốc phòng trừ sâu sinh học

Hiện, kinh tế vườn không còn là kinh tế tự cấp tự túc mà ngày nay đang phát triển trở thành động lực cải thiện đời sống vật chất văn hóa tinh thần cho nông dân, là động lực làm giàu ở những vùng thuần nông. Tuy nhiên, phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, loại trừ các biện pháp giây nên mất ATTP và gây ô nhiễm môi trường. Nói một cách khác, là tập trung xây dựng các loại vườn mẫu theo hướng ATTP hữu cơ, có khuôn viên xanh sạch đẹp, tăng nhanh được thu nhập cho người dân.

Theo số liệu công bố tháng 2 năm 2017 của Viện nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (FiBL) và IFOAM, năm 2015 diện tích đất NNHC của Thế giới là 50,9 triệu ha, tương đương 1,1% tổng diện tích đất nông nghiệp, với giá trị sản phẩm khoảng 81,6 tỷ USD. Có 179 nước sản xuất NNHC với 2,4 triệu nông dân sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trong đó có 87 nước đã có các quy định pháp luật quản lý sản phẩm hữu cơ.

Các thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ (trên 45% giá trị), tiếp đến là Đức và Pháp. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì Thụy sỹ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ nhiều nhất (262 Euro/đầu người/năm).

Hiện, 73% diện tích đất NNHC của Thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu. Úc có diện tích đất NNHC nhiều nhất với 22,7 triệu ha, trong đó 97% là những đồng cỏ chăn nuôi rộng lớn; Argentina (3,1 triệu ha); Mỹ (2.0 triệu ha); Tây ban nha (1.97 triệu ha); Trung Quốc (1.6 triệu ha); Ý (1.49 triệu ha); Pháp (1.38 triệu ha); Uruguay (1.31 triệu ha); Ấn Độ (1,18 triệu ha); Đức (1.09 triệu ha).

Dương Thanh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/lam-vuon-huu-co-kho-ma-de-post18693.html