Làm việc tại Điện Biên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiểu địa phương để đồng hành trong dài hạn

Với tinh thần luôn sát cánh cùng địa phương, tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên ngày 16/7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh trong việc tìm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cùng đưa địa phương tiến tới phát triển bền vững.

Báo cáo của UBND tỉnh với Bộ Công Thương cung cấp một cái nhìn khá tích cực về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Điện Biên khi có mức tăng trưởng dương, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo đúng định hướng, kế hoạch; thị trường hàng hóa ổn định, đa dạng và bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Giá trị sản xuất công nghiệp dự ước đạt 1.300,75 tỷ đồng, tăng 0,38% so với cùng kỳ năm trước, đạt 38,26% so với kế hoạch năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ ước đạt 35,4 triệu USD, đạt 34,71% kế hoạch năm.

Tuy nhiên nhìn từ số liệu này không khó để nhận ra, mặc dù quyết liệt trong điều hành chỉ đạo, doanh nghiệp nỗ lực nhưng mức đạt kế hoạch 6 tháng đầu năm chưa vượt qua con số 40% kế hoạch năm 2020 đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho những tháng còn lại của năm 2020. Chìa khóa nằm ở chỗ cần có những giải pháp quyết liệt để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Điện Biên là chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công tác vùng Tây Bắc của đoàn công tác Bộ Công Thương

Điện Biên là chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công tác vùng Tây Bắc của đoàn công tác Bộ Công Thương

Từ góc độ của mình, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ… đầu tư vào Điện Biên. Cùng với đó Điện Biên cũng kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí khuyến công để tỉnh lập quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, hỗ trợ 100% vốn đầu tư cụm công nghiệp ưu tiên cho đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Đồng cảm với Điện Biên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh coi việc hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp là một trong các giải pháp hàng đầu mà Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng tỉnh. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng tỉnh phân cấp hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất kinh doanh. Ở góc độ cụ thể hơn, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức các chương trình đào tạo phổ biến pháp luật, quản lý ngành, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước... không chỉ cho cán bộ quản lý mà còn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần hỗ trợ tỉnh Điện Biên bằng các công việc cụ thể

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn ghi nhận nhiều hỗ trợ của Bộ Công Thương

Không chỉ đề cập giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề cập đến các giải pháp mang tính dài hạn. Câu chuyện được Bộ trưởng nhắc tới là cụ thể hóa việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp với việc cụ thể hóa các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ căn cứ đặc thù địa phương để cùng địa phương xây dựng chương trình hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước và quốc tế.

“Tinh thần là chúng ta nói được thì phải làm được. Các đơn vị của Bộ cùng chung tay, để đồng bộ trong công tác hỗ trợ và cùng với địa phương gỡ khó cho các doanh nghiệp, tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng thời gian tới” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với tỉnh Điện Biên xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm hàng hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, song phải gắn với việc liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm; chủ động thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và công nghệ số, để từ đó thị trường Điện Biên với gần hơn các thị trường khác trong cả nước.

Từ góc độ của mình, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng chia sẻ mối quan tâm trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của Điện Biên vượt khó. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng khẳng định, Bộ Công Thương đang xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa và Điện Biên cũng như các tỉnh Tây Bắc nằm trong số địa phương được Bộ quan tâm.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú

Thông báo hành động cụ thể trong hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc khai giảng lớp hướng dẫn doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số chủ trì diễn ra sáng cùng ngày tại TP.Điện Biên Phủ, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú khẳng định, các đơn vị trong Bộ đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp địa phương. Hiện nay, Điện Biên đã có một số đặc sản có chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên việc kết nối giữa "các nhà" chưa cao. Cục Xúc tiến thương mại sẽ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh trong việc nâng cao kiến thức về nhận diện thương hiệu sản phẩm, để các sản phẩm mang đặc trưng Điện Biên được biết đến nhiều hơn.

Còn Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông lại nêu băn khoăn: Hiện nay ở Điện Biên chưa có các trung tâm thương mại hiện đại hoặc các trung tâm phân phối lớn. Vụ cam kết sẽ tham mưu kết nối để các nhà đầu tư biết điểm đến Điện Biên nhiều hơn.

Trong phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn chia sẻ, Điện Biên thường xuyên nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. "Có trực tiếp tới những vùng sâu, vùng xa, được nhìn thấy sự vui mừng của bà con khi thấy ánh sáng điện, mới cảm nhận được sự đồng hành của Bộ Công Thương có ý nghĩa như thế nào" - Bí thư Sơn nói.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn cũng chia sẻ nhiều nội hàm phát triển nhìn từ góc độ một tỉnh biên giới như Điện Biên. Theo đó ở những vùng như Điện Biên mới "thấm" được những hậu quả của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự biến đổi khôn lường của nguồn nước. Theo Bí thư Sơn, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay chính là vấn đề giải ngân cả đầu tư công lẫn đầu tư của tư nhân và Bí thư Sơn mong muốn Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ và có ý kiến với các bộ, ngành đồng hành gỡ khó cho tỉnh.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vào các mục tiêu dài hạn, phối hợp nhưng phân định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể, từ đó nắm bắt tốt nhu cầu của thị trường tại chỗ, tiến tới thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế.

Nhân dịp chuyến công tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Đoàn công tác đã tới làm việc tại Sở Công Thương Điện Biên. Sau khi nghe Quyền Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên Vũ Hồng Sơn báo cáo nhnh các hoạt động, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, viên chức người lao động ngành Công Thương của tỉnh trong thời gian qua trong vai trò cánh tay nối dài của Bộ tại địa phương cũng như đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu giữa Sở Công Thương Điện Biên và các đơn vị của Bộ cần xây dựng và duy trì mối liên lạc, quan hệ công tác thường xuyên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của ngành Công Thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc tại Sở Công Thương Điện Biên

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2020), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, Đồi A1, Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên...

Đoàn công tác Bộ Công Thương viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên

Bộ trưởng ghi tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên

Nghe giới thiệu những chiến tích của quân và dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thăm Khu đồi A1

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã trao 300 triệu đồng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên, đóng góp vào Quỹ đền ơn, đáp nghĩa của tỉnh

Quang Lộc- Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-viec-tai-dien-bien-bo-truong-tran-tuan-anh-hieu-dia-phuong-de-dong-hanh-trong-dai-han-140513.html