'Làm việc nhiều hơn được trả công là bạn đang đầu tư vào tương lai của chính mình'

Tổ chức có thể đánh mất nhân sự vì chính sách không linh hoạt, không hấp dẫn. Nhưng người lao động nhất định không thể đánh mất bản thân vì lỗi của tổ chức.

Em cảm thấy công ty trả lương cho em không tương xứng với những gì em đã cống hiến. Em có nên tiếp tục làm việc ở đây hay không?

Trả lời:

Làm việc và được trả công, đó là nhu cầu chính đáng của người lao động. Nhưng có vài sự thật cần được làm rõ.

Trước hết, thế nào là tương xứng? Bạn có thể cho rằng thế này là tương xứng nhưng tôi lại cho rằng thế này là chưa tương xứng, người cho rằng thế này là thiệt thòi, người khác lại cho rằng thế này là quá hời. Vì sao lại khác nhau như vậy, đó là bởi vì trải nghiệm khác nhau, cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, hoàn cảnh tài chính cá nhân khác nhau, nhu cầu khác nhau, sự đòi hỏi khác nhau.

Cùng một kết quả lao động tạo ra, ta mà lấy thu nhập của mình ra so sánh với thu nhập của một công ty lớn trả cho nhân viên của họ thì chắc hẳn phải cảm thấy mất tương xứng nhiều lắm. Lúc khác, ta lại nhìn thấy một doanh nghiệp nhỏ hơn trả những đồng lương khiêm tốn cho những nhân viên mẫn cán của họ, ta lại nhận ra, công ty đã trả cho ta quá nhiều. Vậy cách suy nghĩ nào là đúng? Rốt cuộc thì cuộc sống công bằng hay không công bằng?

Có 3 cấp độ làm việc.

Cấp độ thứ nhất là người đòi hỏi. Người đòi hỏi tập trung vào việc đòi hỏi, suy nghĩ thường trực là: Tôi nhận được gì? Tôi có được gì? Tại sao người khác có mà tôi không có?

Cấp độ thứ hai là người đàm phán. Người đàm phán thì yêu cầu: tôi sẽ làm chừng này, còn anh trả cho tôi chừng kia, OK? Anh trả ít hơn thì tôi làm ít hơn, anh trả nhiều hơn thì tôi sẽ làm nhiều hơn, anh không trả thì tôi không làm.

Cấp độ thứ ba là người cống hiến. Người cống hiến làm việc vì niềm vui, làm việc vì cảm thấy công việc có ý nghĩa, làm việc để rèn luyện phát triển bản thân. Anh ta không nặng nề chuyện đòi hỏi và đàm phán, không phải là vì anh ta không cần, mà là vì anh ta hướng tới những điều quan trọng hơn. Dần dần, bạn bè đồng nghiệp quý mến anh ta, khách hàng muốn làm việc cùng anh ta, người sếp ngày càng thích thú trước thái độ làm việc của anh ta. Anh ta bắt đầu được trao những cơ hội và thử thách lớn hơn. Những công ty hàng đầu bắt đầu nhòm ngó tới anh ta, muốn săn lùng anh ta.

Jim Rohn nói: "Làm việc nhiều hơn được trả công là bạn đang đầu tư vào tương lai của chính mình".

Hóa ra, làm nhiều đâu phải là mất, nó đang làm cho bạn ngày càng giỏi giang hơn và mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.

Tổ chức có thể đánh mất nhân sự vì chính sách không không linh hoạt, không hấp dẫn. Nhưng mình nhất định không thể đánh mất bản thân vì lỗi của tổ chức.

Chúc bạn thành công!

Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc Anbinhbank

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nen-hay-khong-nen-khi-cong-ty-tra-luong-khong-tuong-xung-164830.html