Làm việc là niềm say mê sống

Dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, giọng nói trong, vang, tràn đầy năng lượng sống, ít ai nghĩ rằng, Tiến sĩ - Kiến trúc sư (TS.KTS) Tô Thị Toàn - ái nữ của danh họa Tô Ngọc Vân đã 72 tuổi.

Ở tuổi thất thập, bà vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và Pháp, vẫn tham gia và tham luận sôi nổi ở những buổi hội thảo về kiến trúc. Với TS.KTS Tô Thị Toàn, làm việc là một niềm say mê sống.

Tuổi thơ mồ côi cha và sớm xa gia đình

Tôi đến thăm ngôi nhà tràn ngập hương hoa hồng của KTS. TS Tô Thị Toàn vào ngày Hà Nội trời trở gió. Cái se lạnh đầu mùa khiến những ký ức về người cha đáng kính, người mẹ vất vả tảo tần trong bà trở nên đậm nét. Và trong không gian thơm ấm vị hồng leo ấy vẫn bảng lảng một nỗi buồn của đứa trẻ sớm mồ côi cha. Những giọt nước mắt trào ra và bằng một cách nào đó, nằm lại trên gương mặt của người đàn bà vốn từng trải, sôi nổi và xông xáo trong công việc.

Ngày 17-6-1954, chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 40 ngày, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã ngã xuống khi trở về từ chiến dịch. Lúc ấy, cô bé Tô Thị Toàn lên 7 tuổi. Sau này lớn lên, Tô Thị Toàn nghe mẹ là bà Nguyễn Thị Hoàn kể lại: Năm 1950, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trung ương. Với uy tín của mình, họa sỹ Tô Ngọc Vân được mời làm vị hiệu trưởng đầu tiên của trường.

Trường vừa đi vào hoạt động thì chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra. Họa sỹ Tô Ngọc Vân xung phong lên chiến dịch. Trước sự cản trở của cán bộ tổ chức nhằm bảo vệ một tài năng hội họa của nước nhà, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã bày tỏ nguyện vọng tha thiết "Tôi là một nghệ sỹ, tôi muốn được ghi chép lại cuộc chiến đấu chống thực dân của đất nước mình".

Chính vì lý lẽ giản dị ấy, nhà thơ Tố Hữu, lúc bấy giờ phụ trách tuyên truyền đã đồng ý cho họa sỹ Tô Ngọc Vân lên chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi vẽ xong chiến thắng của những chiến sỹ Điện Biên, trên đường trở về, họa sỹ Tô Ngọc Vân trúng bom và mất khi đang ký họa chân dung một cụ già người Tày.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều gia đình tản cư đã trở về Hà Nội, riêng người vợ góa của họa sỹ Tô Ngọc Vân vẫn nhất định ở lại chiến khu với lý lẽ "Tôi đi hai về một, tôi không về". Nói thêm về bà Nguyễn Thị Hoàn, người phụ nữ yêu chồng nhất mực. Bà đã cùng chồng chia sẻ gánh vác việc tồn tại của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trung ương.

Thời điểm trường vừa thành lập, khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều ngôi trường phải đóng cửa, nhưng bà Nguyễn Thị Hoàn lúc ấy đã đem hết số vàng mang theo người đi tản cư, bán lấy tiền nuôi học viên, duy trì hoạt động của nhà trường.

Một năm sau cái chết của cha, cô bé Tô Thị Toàn được gửi sang Trung Quốc học, bắt đầu chuỗi xa nhà của đứa trẻ mồ côi cha và sớm xa sự đùm bọc của mẹ. Thời gian học ở Trung Quốc, kỷ niệm đáng nhớ nhất của KTS. TS Tô Thị Toàn là bài văn bà viết về cha được chọn đọc tại buổi sinh hoạt chung của trường. Bài văn tả lại chân thực giấc mơ của một đứa trẻ mồ côi.

Trong giấc mơ ấy, cô bé Tô Thị Toàn thấy cha mình trở về, bước vào cửa, nhìn mình và rồi bước ra đi mãi mãi. Bà tỉnh dậy và bật khóc ở xứ người. Cho đến giờ, đó là giấc mơ duy nhất cô bé Tô Thị Toàn được gặp lại cha mình.

Gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Nhà cổ Hà Nội và ước mong bảo tồn vẻ đẹp truyền thống

Sau cái chết của cha, phần vì thương mẹ, phần không muốn mang một tiếng xấu nào ảnh hưởng đến danh tiếng người cha đã mất, Tô Thị Toàn cùng anh em mình quyết tâm học tập. Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc, trở thành nữ kiến trúc sư, Tô Thị Toàn đã dốc hết tâm sức mình phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước.

Năm 1996, Hà Nội quyết định thành lập Ban Quản lý phố cổ, cùng với đó, Dự án Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội, nhà thuộc sự quản lý của UBND thành phố ra đời và KTS đầu tiên mà mọi người nghĩ tới lúc này chính là Tô Thị Toàn.

Nhận lời dự án với nhiều lo lắng và trở trăn, nhưng rồi người phụ nữ nhỏ bé Tô Thị Toàn bắt tay vào công việc mới với niềm say mê kỳ lạ. Chính niềm say mê này đã giúp bà vượt qua rất nhiều khó khăn. Để có được ngôi nhà 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào hôm nay, bà và đội ngũ cộng sự dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, phục dựng.

Ngôi nhà cũ đã không giữ được nguyên vẹn, TS.KTS Tô Thị Toàn đã lặn lội đi khắp các ngôi nhà cổ còn sót lại ở Hà Nội để tìm lại, có khi đó là họa tiết của chiếc cầu thang, cách bố trí giếng trời, có khi là cách bố trí gian bếp còn sót lại ở một ngôi nhà khác…

Đi, trải nghiệm và chắp nhặt lại từng mảnh cũ của từng ngôi nhà cổ dân gian Hà Nội, để cuối cùng, bà thiết kế lại căn nhà 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào như hôm nay. Năm 2000, khi nghiệm thu dự án, rất nhiều người đã phải thốt lên, ngôi nhà cổ chuẩn mực như một ngôi nhà dân gian Hà Nội. Và tất cả mọi người đã phải ngạc nhiên khi biết số kinh phí dành cho mỗi ngôi nhà chỉ ba trăm triệu đồng.

Sự thành công của công trình phố cổ 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào đã giúp TS.KTS Tô Thị Toàn xây lên một cây cầu riêng để nối hai vùng miền văn hóa: Hà Nội - Việt Nam và thành phố Toulouse nước Pháp. Với cá nhân bà, bà mỉm cười khi nhớ lại, sự thành công của việc bảo tồn nhà cổ Hà Nội đã khiến cho nữ KTS từ người phụ nữ chỉ nặng 35kg tăng lên 45kg một năm sau đó.

Bức chân dung con gái Tô Thị Toàn của cố danh họa Tô Ngọc Vân.

Tôi không bao giờ là số 1

Sự thành công của những khu nhà nhà lắp ghép những năm 70, rồi thành công khi là một trong những KTS đầu tiên tham gia thiết kế, xây dựng nhà ở cho người nước ngoài tại Hà Nội, thành công trong việc bảo tồn những ngôi nhà dân gian Hà Nội… đã đưa KTS Tô Thị Toàn trở thành nữ Đại biểu Quốc hội hai khóa: Khóa X và khóa XI. Bạn bè đồng nghiệp cùng thời thường gọi bà là người phụ nữ số một. Nhưng bà bác lại ngay: "Tôi không bao giờ là người số 1, tôi chỉ là một người phụ nữ luôn cố gắng, nỗ lực và gặp nhiều may mắn. Tôi biết, còn rất nhiều người tài năng hơn tôi nhưng họ không có được may mắn, không có được những cơ hội để cống hiến như tôi". Chính tình yêu cái đẹp, tình yêu đất nước, ý thức trách nhiệm được trao truyền lại từ người cha - họa sỹ Tô Ngọc Vân cộng với niềm đam mê công việc đã làm nên một TS.KTS Tô Thị Toàn như ngày hôm nay.

Ngày trở gió, ngắm hai ngôi nhà cổ Mã Mây và Hàng Đào, thấm hiểu hơn tình yêu và trách nhiệm của một người con Hà Nội. Giống như bao người con đất Thăng Long yêu mảnh đất linh thiêng của mình, KTS Tô Thị Toàn chính là một người con rất Hà Nội, một trí thức Thủ đô sống thẳng thắn, trong sáng, thuần khiết. Bà thuộc vào thế hệ gìn giữ, cất giấu và kết nối những khát vọng lặng thầm về một tình yêu Hà Nội xưa và nay.

TS.KTS Tô Thị Toàn

Tôi nghĩ mình đã làm được một điều mà trước đây chưa ai làm được, một việc khó khăn là đã thực hiện được bảo tồn, cải tạo được một ngôi nhà - truyền thống của phố cổ Hà Nội và có hiệu quả. Bản thân tôi được chứng minh rằng nỗ lực của mình đã thành sự thật và cái đấy là cái mong ước của những người làm chuyên môn. Tôi cũng mong muốn không chỉ thế hệ chúng ta mà cả thế hệ sau luôn luôn có một phố cổ Hà Nội để mà chúng ta tự hào với nó và yêu mến nó.

TS Lưu Minh Trị - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Đấy là một con người tâm huyết, nhiệt tình, có tri thức về kiến trúc cho nên là chị Tô Thị Toàn đã đề xuất cho UBND TP Hà Nội về kế hoạch, quy hoạch và các hoạt động bảo tồn tôn tạo phố cổ. Các bạn biết lúc đó ý tưởng tôn tạo phố cổ có từ trước nhưng mà làm thế nào tu bổ kiểu gì thì chưa có nên KTS Tô Thị Toàn là người trực tiếp tham mưu đề xuất cho UBND TP Hà Nội về quy hoạch, kế hoạch và chương trình hoạt động bảo tồn tôn tạo phố cổ dài hạn và ngắn hạn…

Hạnh Thủy

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/lam-viec-la-niem-say-me-song-568781/