Làm việc cho công ty Nhật: Con đường không trải hoa anh đào

Tôi khá bất ngờ khi đọc báo cáo mới đây về tuyển dụng và văn hóa doanh nghiệp tại công ty Nhật Bản của Navigos-công ty chuyên về dịch vụ tư vấn tuyển dụng nhân sự. Báo cáo cho thấy 77% số ứng viên tham gia khảo sát đã bình chọn công ty Nhật là doanh nghiệp châu Á có môi trường làm việc được yêu thích nhất. Bên cạnh đó, hơn một nửa số ứng viên tham gia khảo sát cũng chia sẻ họ đang tìm kiếm công việc tại doanh nghiệp Nhật trong thời gian tới. Con số này cao hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực như Singapore chỉ là 11%, Việt Nam là 4%, và Hàn Quốc cũng chỉ đạt 1,7% số người được hỏi.

Doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng nhân sự tại một ngày hội việc làm tổ chức ở TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Lý do chính khiến doanh nghiệp Nhật được đánh giá hấp dẫn đối với họ là vì được “rèn luyện thái độ và phong cách làm việc chuẩn mực”, có “môi trường chuyên nghiệp” và cũng là nơi có “chế độ lương thưởng và phúc lợi hấp dẫn”.

Là người đang làm việc cho một công ty liên doanh có cổ phần chi phối của Nhật Bản, tôi phần nào hiểu được vì sao những người được khảo sát có nhìn nhận như vậy. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số trải nghiệm về môi trường làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản từ góc nhìn người trong cuộc để độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ, có thêm thông tin khi quyết định nộp hồ sơ tìm việc tại các công ty Nhật Bản.

Chăm chỉ, tinh thần kỷ luật cao

Tôi được mời làm việc cho công ty liên doanh với Nhật Bản cách đây hơn ba năm. Lúc đó tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới với GDP cao, có các sản phẩm điện tử, ô tô... mang các thương hiệu tầm cỡ thế giới. Nhật Bản đã vươn lên từ đống đổ nát của Thế chiến thứ hai để trở thành một cường quốc nên chắc họ phải có những bí quyết thần kỳ hoặc có những tiến bộ đáng để học hỏi. Đây cũng là công ty thuộc loại có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, nên không suy nghĩ nhiều, tôi nhận lời làm việc cho công ty này.

Sau một thời gian làm việc, một số điều trước đây tôi đã được chia sẻ hoặc đọc trên báo chí về cách làm việc của người Nhật tỏ ra khá chính xác: làm việc chăm chỉ, đúng giờ và có tinh thần kỷ luật thép.

Người Nhật làm việc rất chăm chỉ và nghiêm túc. Họ đến văn phòng từ rất sớm, thường là 7 giờ sáng và ngồi lại làm việc muộn, thường là 19 giờ, thậm chí muộn hơn. Họ có ý thức và nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm tài nguyên công ty và tuân thủ quy định về an toàn. Ông sếp cũ người Nhật của tôi luôn là người đầu tiên đến và là người cuối cùng rời khỏi văn phòng. Trước khi về ông luôn kiểm tra từng chiếc điều hòa, quạt, thậm chí ổ cắm nối với công tắc đã được tắt hay chưa. Ông luôn quan tâm đến quy định của công ty và vấn đề vệ sinh. Nếu không may ai đó quên rửa cốc uống nước và để vào đúng nơi quy định thì ngày hôm sau nơi đầu tiên may ra họ có thể tìm thấy chiếc cốc tội nghiệp của mình là thùng rác.

Làm việc với người Nhật thì việc đúng giờ cần được tính theo từng giây, từng phút. Tôi hầu như không thấy người Nhật đến muộn trừ khi có lý do chính đáng. Chỉ cần lái xe đến đón muộn hai phút, ông sếp của tôi đã gửi e-mail đến nhà thầu cung cấp xe để phản ánh sự chậm trễ của tài xế.

Ý thức về việc công và việc tư rất rõ ràng đối với người Nhật. Tôi nhớ rất rõ, Tết Nguyên đán năm 2017, khi toàn thể nhân viên công ty được nghỉ lễ, thì sáng mùng 1 Tết, ông sếp của tôi vẫn gọi xe để đi kiểm tra khu vực quanh nhà máy như thường lệ trước sự ngỡ ngàng của người lái xe vì phải tức tốc bắt taxi từ quê cách đó 60 cây số đến để phục vụ. Thậm chí khi gia đình có việc tang, ông về nước và quay trở lại làm việc trong thời gian rất ngắn, tuyệt nhiên không để vấn đề gia đình ảnh hưởng đến công việc.

Người Nhật có văn hóa trung thành với công ty. Có nhiều đồng nghiệp người Nhật mặc dù tuổi đã cao, nhiều người chuẩn bị về hưu, nhưng khi sang Việt Nam họ vẫn chỉ được giao những công việc tương đối đơn giản, và họ vẫn cần mẫn làm việc. Chúng tôi thường tự hỏi tại sao họ có thể nhẫn nại làm những việc như vậy.

Những trải nghiệm khác

Sau những điều khâm phục, tôi bắt đầu được trải nghiệm những vấn đề mà tôi hiếm khi gặp phải khi làm việc cho các công ty phương Tây nhưng lại rất phổ biến ở công ty Nhật Bản.

Cứng nhắc và chi tiết: Trước đây khi làm việc cho các công ty và tổ chức châu Âu tôi quen với phong cách làm việc linh hoạt, chủ yếu tập trung vào kết quả đầu ra. Nhưng đối với công ty Nhật, các đồng nghiệp của tôi đều đi vào các vấn đề tiểu tiết. Phần lớn nội dung công việc nếu có bình luận qua lại đều phải sử dụng chế độ “track change” để thể hiện những thay đổi trong nội dung. Kết quả là sau một vài vòng trao đổi và góp ý, tài liệu đã trở nên hỗn độn rất khó theo dõi.

Lạm dụng e-mail: E-mail là phương tiện làm việc chưa thể thay thế trong môi trường văn phòng, tuy nhiên những năm gần đây các nghiên cứu và phân tích đều chỉ ra rằng việc lạm dụng e-mail sẽ làm giảm năng suất, lãng phí thời gian và làm xơ hóa mối quan hệ giữa con người với con người.

Xu hướng của các doanh nghiệp phương Tây hiện nay đang giảm thiểu e-mail và sử dụng các công cụ mang tính tương tác cao và hiệu quả hơn như Slack, Asana. Điều này hoàn toàn đối nghịch với công ty tôi làm việc, từ việc lớn đến việc nhỏ đều được gửi qua e-mail. Hàng loạt người không liên quan trực tiếp nhưng vẫn được “cc” trong e-mail trả lời mà không có nội dung gì ngoài việc “cảm ơn” hoặc “tôi đã ghi nhận vấn đề này”. Mỗi ngày tôi nhận được hàng trăm e-mail các loại, một phần ba trong số đó là các e-mail dạng này, một phần ba là e-mail không liên quan mà chỉ được gửi ở dạng chia sẻ thông tin.

Sợ trách nhiệm và tuân lệnh cấp trên: Chưa ở đâu tôi thấy hệ thống thứ bậc thể hiện rõ ràng như công ty Nhật. Mọi việc trong công ty đều được thực hiện chặt chẽ theo ý kiến của lãnh đạo, một khi lãnh đạo đã có ý kiến hoặc đã quyết thì cấp dưới về cơ bản chỉ có việc thực thi. Rất ít khi tôi được nghe ý kiến phản biện sau khi lãnh đạo đã có ý kiến.

Nhưng Nhật Bản cũng không phải là quốc gia duy nhất có văn hóa như vậy, tôi được biết một số công ty của Hàn Quốc mà tôi có dịp làm việc cùng cũng có văn hóa làm việc tương tự.

Thiếu sáng tạo và đầy áp lực: Mọi công việc đều được thực hiện theo quy trình, mọi thứ cứ theo quy trình để làm, hầu nhưng không có không gian và điều kiện cho những sáng tạo từ nhân viên. Hầu như không có không gian cho cho sự ngẫu hứng và sáng tạo. Sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc không tồn tại trong môi trường làm việc của Nhật.

Với thời gian làm việc dài nên ông sếp vào loại to của công ty tôi thường ngủ gật trong các cuộc họp do ông chủ tọa. Đồng nghiệp người Nhật cho biết áp lực công việc của họ tại quê nhà còn cao hơn nhiều. Điều này phần nào có thể lý giải vì sao trong những năm vừa qua Nhật Bản luôn là nước có tỷ lệ tự tử cao hàng đầu thế giới.

Đào Quang Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280605/lam-viec-cho-cong-ty-nhat-con-duong-khong-trai-hoa-anh-dao-.html