Làm tuyến buýt thủy trên sông Tô Lịch: Kế hoạch ảo tưởng

Công ty thoát nước Hà Nội đề xuất phương án xây dựng tuyến giao thông thủy trên sông Tô Lịch, nhưng chuyên gia đã chỉ ra các yếu tố vô lý.

Vừa qua, công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết đã trình UBND TP Hà Nội đề xuất giải cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng; lãnh đạo thành phố đang giao cho các Sở ngành liên quan xem xét theo quy định.

Cụ thể, nếu được TP chấp thuận, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm công suất 156.000 m3/h dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây, sau đó nước sẽ được xả từ hai cửa Hồ Tây A và B chảy vào sông Tô Lịch.

Lãnh đạo công ty này cho biết, đề án "giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng còn hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, vận tải thủy.

"Khi sông Tô Lịch hàng ngày được bổ cập nước sạch từ sông Hồng, có dòng chảy lưu thoát, tạo cảnh quan, Hà Nội có thể phát triển được một tuyến buýt đường thủy giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường trên cạn", lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội nói.

Nước đen kịt và cá chết trắng sông Tô Lịch chỉ một ngày sau khi dừng bơm nước từ Hồ Tây (ảnh: Zing)

Nước đen kịt và cá chết trắng sông Tô Lịch chỉ một ngày sau khi dừng bơm nước từ Hồ Tây (ảnh: Zing)

Tuy nhiên, nhận định về kế hoạch này, ông Nguyễn Trọng Hồng, chuyên gia thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp khẳng định đây là điều hoàn toàn không có cơ sở thực hiện.

Ông Hồng chỉ thẳng ra ba vấn đề then chốt khiến việc xây dựng giao thông thủy trên sông Tô Lịch là kế hoạch bất khả thi hoàn toàn.

Thứ nhất, sông Tô Lịch quá ô nhiễm. Hiện nay Nhật Bản đang đưa công nghệ sử dụng đất hiếm vào quá trình khử mùi của dòng sông. Đây là một công nghệ tiến bộ và rất có tác dụng. Tuy nhiên, các vấn đề ô nhiễm khác nổi cộm như phân hủy oxy, như khí CO2 vẫn chưa có biện pháp giải quyết.

Đồng thời, sông Tô Lịch đang hiện diện như một nguồn chứa nước thải của đô thị Hà Nội. Nguồn nước thải qua xử lý và chưa qua xử lý đổ cả ra dòng sông này, sự ô nhiễm là điều đang khiến các nhà khoa học, các cơ quan chức năng bó tay. Vì thế chưa thể bàn đến bất kỳ kế hoạch gì nếu không xử lý được vấn đề ô nhiễm của dòng sông.

Thứ hai, cần phải đặt ra câu hỏi nguồn nước của sông Tô Lịch có đủ để chúng ta thông thương giao thông thủy không? Nếu lấy nước từ sông Hồng để bơm vào sông Tô Lịch qua các trạm bơm Hồ Tây thì cũng chỉ khiến mực nước tăng lên 15cm.

"Các nhà xây dựng kế hoạch đang tính sử dụng con thuyền, con tàu có độ mớn nước bao nhiêu? Đối với dòng sông, hay cụ thể là dòng nước đẩy thuyền đi, độ mớn nước như vậy thì gần như là sông chết, sông không chảy. Và nếu có dùng tàu máy, thuyền máy thì khi động cơ chân vịt hoạt động, bùn và các chất lắng đọng sẽ bị khuấy tung, tàu mắc cạn là chắc chắn" - ông Nguyễn Trọng Hồng nhận định.

Ngoài ra, nếu bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch thì dòng chảy sẽ chảy đi đâu? Ông Hồng nói thẳng nó sẽ đi từ dòng sông này đến sông Đáy, sông Chảy. Và đây là hành động biến một điểm ô nhiễm lây lan sang nhiều điểm ô nhiễm. Ô nhiễm của một thành phố lây lan sang ô nhiễm cả một vùng địa lý rộng lớn.

"Các tỉnh khác chắc chắn sẽ không chấp thuận cho đề án liều lĩnh này" - ông Hồng khẳng định.

Công nhân môi trường vớt rác thải sinh hoạt tại một điểm trong lòng sông Tô Lịch

Thứ ba, vấn đề kinh phí sẽ tác động rất nhiều đến kế hoạch này. 14km sông Tô Lịch không hoàn toàn đi thẳng. Đoạn thẳng nhất có thể nhìn thấy là dọc tuyến sông song song với đường Láng. Ngoài ra, phần còn lại cơ bản là khúc quanh.

"Chẳng có tàu thuyền nào có khả năng xử lý những khúc cua như thế. Nếu muốn làm giao thông thủy chắc chắn sẽ phải tiến hành nạo vét lòng sông tạo độ sâu, khơi dòng, nắn dòng. Kinh phí là bao nhiêu cho các công việc đó, liệu các nhà lên phương án có tính nổi không?" - ông Hồng đặt câu hỏi.

Kết luận lại, ông Nguyễn Trọng Hồng nhận định: "Đây là một ý tưởng không khả thi. Theo ý tôi, chúng ta đừng nên nghĩ đến bất kỳ phương án giao thông nào trên sông Tô Lịch này. Điều tốt đẹp nhất là tập trung nghĩ về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề ô nhiễm của dòng sông.

Các chuyên gia của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đã từng tiếp cận với dòng sông này. Họ đưa ra nhiều phương án, nhưng tất cả đều tập trung vào việc xử lý ô nhiễm, chưa một chuyên gia nước ngoài nào nghĩ đến việc biến dòng sông này thành một đường giao thông thủy cả.

Từ đó, sông Tô Lịch nên mang trên mình nhiệm vụ là điểm thoát nước hiệu quả. Càng xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đây là hướng phát triển duy nhất, tích cực và hiệu quả nhất đối với sông Tô Lịch vào lúc này".

Minh Tuệ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/lam-tuyen-buyt-thuy-tren-song-to-lich-ke-hoach-ao-tuong-3383782/