'Lầm tưởng' chuyện mì ăn liền gây nóng

Không biết từ đâu những thông tin như mì ăn liền gây nóng được lan truyền khiến một số người lo sợ khi sử dụng món ăn này. Vậy lời truyền miệng này có thực sự chính xác?

Không có thực phẩm riêng lẻ nào là gây nóng

Trong dân gian vẫn lưu truyền danh sách các thực phẩm gây nóng như sầu riêng, vải, nhãn, dứa, mận, đào hay các thực phẩm chiên như mì ăn liền… Sở dĩ, thực phẩm nóng được truyền miệng nhiều cũng vì trong Đông y có tồn tại khái niệm này. Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, trong y học cổ truyền, tính vị của thực phẩm bao gồm tứ vị là hàn – lương – ôn – nhiệt, tương ứng là lạnh – mát – ấm – nóng. Thực phẩm nóng là thực phẩm có tính nhiệt. Nhưng thực phẩm nhiệt không hẳn là nguyên nhân gây nóng vì cơ thể mỗi người lại có thể hàn và nhiệt khác nhau. Thế nên, có người ăn loại thực phẩm này thấy nóng còn người khác lại thấy bình thường. Đồng thời, trong Đông y không so sánh giữa thực phẩm nhiệt hay hàn tốt hơn. Điều quan trọng là cân bằng hàn – nhiệt thông qua chế độ ăn uống đa dạng, kết hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau.

TS.BS. Trương Hồng Sơn cũng cho biết thêm, lý giải về tình trạng nóng trong người, y học cổ truyền cho rằng, nguyên nhân là do chức năng của phủ tạng yếu, các chức năng giải độc, thải độc hoạt động không hiệu quả, khiến cho các chất độc tích tụ lại trong cơ thể. Bên trong cơ thể người, gan đóng vai trò chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống, phân hủy chất béo, kiểm soát lượng đường trong máu, dự trữ sắt và nhiều hơn nữa. Khi chức năng gan suy giảm, độc tố tích tụ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa phát triển.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhìn nhận vấn đề trên một cách khách quan, PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho biết,trong y học hiện đại không có khái niệm thực phẩm nóng cũng như bệnh lý “nóng trong người”. Theo đó,y học hiện đại xem xét và phân chia thực phẩm dựa trên 4 nhóm chất dinh dưỡng, tương ứng là: chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất. Theo đó, hoàn toàn không có khái niệm thực phẩm mát hay nóng. Các biểu hiện “nóng trong người” mà dân gian mô tả như ợ nóng, nổi mụn, nhiệt miệng hay cáu gắt,… thường được xem xét dưới nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể xuất phát từ chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học điều độ; là triệu chứng của một số bệnh lý hoặc do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Tìm “thủ phạm” được coi là gây nóng trong mì ăn liền

Mì ăn liền là thực phẩm thông dụng, tiện lợi và là một phần của cuộc sống hiện đại, nhưng lại thường bị xếp đầu danh sách các thực phẩm gây nóng theo kinh nghiệm dân gian. Người này thì bảo mì ăn liền nóng do chiên qua dầu, người khác thì cho rằng nó chứa nhiều tinh bột.

Xem xét vấn đề này dưới góc nhìn chuyên môn thì đây là thông tin, lời truyền miệng chưa chính xác. Một gói mì ăn liền loại thông dụng (75 gram) chứa chủ yếu là chất bột đường (40-50 gram); 10 - 13 gram chất béo (bao gồm cả gói dầu) và thường không ít hơn 6,8 gram đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300 - 350 Kcal (tương đương 15 - 17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày với người trưởng thành). Như vậy, lượng dầu trong mì ăn liền (10 -13 gram) tương đương 4 miếng đậu rán hoặc nhỉnh hơn 1 gram so với một bát phở gà bình dân. Đồng thời, lượng tinh bột có trong mì ăn liền tương đương một bát phở gà bình dân, kém 30 gram bánh bao nhân thịt, hơn 20 gram so với bánh mì”, PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết.

Ảnh minh họa

TS.BS. Trương Hồng Sơn cho biết thêm, chúng ta hoàn toàn không tìm thấy thành phần nào trong mì ăn liền gây nóng. Xét về bản chất, bột lúa mì (tinh bột) hay dầu (chất béo) đều không phải là nguyên nhân nhân gây nóng dù theo nào. Thay vì lo sợ mì ăn liền gây nóng, người dùng hãy áp dụng chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng và hợp lý. Khi sử dụng mì ăn liền nên kết hợp cùng các nhóm thực phẩm khác như rau xanh, thịt, trứng để cân bằng dinh dưỡng.

Tại sao có một số người sau khi ăn mì lại bị nổi mụn?

Theo các chuyên gia, hiện tượng này xuất hiện là do thói quen ăn mì đi kèm chế độ sinh hoạt không hợp lý, thức khuya, sử dụng thức uống có cồn… Những yếu tố không tốt hợp lại cùng thời điểm sẽ gây rối loạn quá trình chuyển hóa, hấp thu thực phẩm và có thể dẫn đến thay đổi về hormone mà biểu hiện là nổi mụn.

Bên cạnh đó, độ tuổi cũng là yếu tố tác động gây mụn. Đơn cử như học sinh, sinh viên, độ tuổi này có hormone giới tính, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh. Một số trường hợp da mặt phải thường xuyên tiếp xúc nhiều với mồ hôi, bụi bẩn cũng làm tăng nguy cơ hình thành mụn.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-tuong-chuyen-mi-an-lien-gay-nong-n180874.html