Làm từ thiện không dễ, nhưng đừng bỏ cuộc

LTS: Tòa soạn TBKTSG Online tiếp tục nhận được những phản hồi mới của bạn đọc về chuỗi quán cơm Nụ cười . Ý kiến các độc giả đã đến thăm, quyên góp, tham gia phục vụ tại các quán cơm... cho rằng vận hành quán cơm không dễ dàng gì, nhưng đừng vì thế mà bỏ cuộc thiện nguyện.

Tiểu Uyên - Hoàng Diệp

Không đáng trách

Tôi không thấy có gì đáng chê trách hay phê phán ở đây. Chỉ là cách làm của Nụ Cười 4 hơi yếu kém về mặt quản lý, chưa có được giá trị cốt lõi, chưa dám mạnh dạn đầu tư cho truyền thông. Ví dụ, số tiền đóng góp cho các bữa ăn, các vị hoàn toàn có quyền trích ra một phần để làm công tác kêu gọi tài trợ, PR, mời các diễn viên, người của công chúng đến để tuyên truyền cho quán. Các tổ chức từ thiện nước ngoài làm rất tốt việc này.

Ví dụ rõ nhất là ở Mỹ có tổ chức Feeding America, họ làm food bank, nhưng đồ ăn bao giờ cũng ngon và thực phẩm là thực phẩm đủ chỉ tiêu chất lượng, chỉ cận date (sắp đến ngày hết hạn sử dụng) mà thôi. Và quan trọng là họ tuyên truyền rất tốt.

Tiểu Uyên

Cần liệu cơm gắp mắm

Tôi từng đến bưng bê phụ giúp ở các quán Nụ Cười nên mới hiểu việc tổ chức cho một quán cơm hoạt động không hề đơn giản, không khác một doanh nghiệp quy mô trung bình với vài chục nhân viên.

Những người điều hành quán cơm phải tính toán chi li từ khâu mua thực phẩm, mua cái gì, ai đã cho cái gì, hôm nào ăn chay, hôm nào ăn mặn. Nấu cơm một bữa 80-85kg gạo làm sao không nát, không sống. Nấu nhiều nồi canh, mỗi nồi 100 lít nước, khi thả rau vào nhiệt độ rất lớn, làm sao cho rau không nát, canh không bị nồng. Vì là nấu ăn khối lượng lớn nên còn phải tìm những đầu bếp chuyên nghiệp chứ không phải người tình nguyện nào cũng biết làm.

Có ba nhóm đối tượng ở quán cơm xã hội cần đáp ứng những cách khác nhau. Nhà hảo tâm cần được công khai minh bạch và cập nhật thông tin thường xuyên về số tiền họ đóng góp, xây dựng lòng tin lâu dài. Người phục vụ cần kiên trì, trải lòng ra vừa thiện vừa nguyện để trở thành người phục vụ văn minh, ứng xử với người ăn cơm đúng mực. Người đến ăn cơm cần được hướng dẫn cách xếp hàng, biết nói nhỏ nhẹ không gây ồn ào, biết ăn xong xếp khay vào đúng chỗ, không xả rác ra nền nhà… Quá trình “đào tạo” nhiều ngày đó còn là để xây dựng văn hóa cho quán cơm xã hội.

Nguyên tắc của làm từ thiện, vừa mang tính kinh tế vừa mang tính tâm linh là càng huy động được nhiều tấm lòng bá tánh càng lâu bền. Về mặt kinh tế, càng nhiều người đóng góp, nguồn thu càng bền vững vì quán sẽ không phụ thuộc vào nguồn nào cả. Hiện nay ở các quán Nụ Cười, vẫn có những tổ chức, cá nhân tháng nào cũng gửi vào tài khoản một khoản tiền cố định, có cá nhân mỗi tháng gửi 300.000-500.000 đồng, có doanh nghiệp mỗi tháng gửi 30 triệu đồng. Nhưng cần làm sao để 30 triệu kia dừng lại, quán vẫn duy trì nguồn tài chính chứ không chỉ là việc cứ làm hết tâm hết sức, nếu hết tiền thì dẹp? Liệu cơm gắp mắm và mở rộng kênh tạo tiền rất quan trọng trong mô hình này.

Hoàng Diệp

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/bandocviet/110146/