Làm tốt vai trò 'cơ quan gác cổng' trong xây dựng chính sách, pháp luật

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945-28/8/2020), phóng viên Trung tâm truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Giám đốc Sở Tư pháp (ảnh).

- Đồng chí cho biết đôi nét về quá trình phát triển của ngành Tư pháp Quảng Ninh?

+ Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh được thành lập theo Quyết định số 666-TC/UB ngày 24/12/1981 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Qua mỗi thời kỳ, chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp có sự thay đổi, bổ sung, mở rộng với nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề, khó khăn hơn. Cụ thể, những năm đầu thành lập, Sở thực hiện quản lý TAND huyện, thị xã; quản lý các tổ chức và các công tác tư pháp khác trong toàn tỉnh; làm nhiệm vụ của Ban pháp chế tỉnh. Cuối tháng 6/1993, công tác thi hành án dân sự (THADS) được chuyển giao từ TAND tỉnh sang Sở quản lý. Từ tháng 7/2009, cơ quan THADS được tập trung thống nhất về tổ chức và quản lý theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, tại tỉnh có Cục THADS. Năm 2002, Sở Tư pháp bàn giao công tác quản lý TAND cấp huyện (về mặt tổ chức) về TAND tỉnh. Từ 2006 đến nay, chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp đã được cụ thể, rõ ràng hơn và bổ sung thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới.

Theo đó, Sở Tư pháp Quảng Ninh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản tài viên; hòa giải thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Với chức năng nhiệm vụ hiện nay của ngành Tư pháp đã thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngành trong việc giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương theo tinh thần cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Sở Tư pháp tổ chức hội nghị phân tích các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT, DDCI, tháng 6/2020.

Sở Tư pháp tổ chức hội nghị phân tích các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT, DDCI, tháng 6/2020.

- Qua 39 năm xây dựng và phát triển, ngành Tư pháp Quảng Ninh đã có bước phát triển khá toàn diện. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật ngành đạt được trong thời gian qua?

+ Mặc dù phải thực hiện thêm một số chức năng, nhiệm vụ trong điều kiện thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế, số lượng công chức, viên chức giảm nhiều nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo Sở qua các thời kỳ và sự nỗ lực của toàn thể CB, CC, VC, người lao động, công tác tư pháp đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các mặt công tác được triển khai toàn diện, đúng chức năng, đồng thời làm tốt các nhiệm vụ, phần việc được giao bổ sung; xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến rõ nét.

Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) góp phần tích cực trong việc xây dựng thể chế của tỉnh Quảng Ninh, thể hiện rõ nét vai trò "Người gác cổng" trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi. Hàng năm, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình xây dựng văn bản QPPL; thực hiện nghiêm túc việc tham gia ý kiến, thẩm định và phối hợp chặt chẽ cùng các ngành trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL, luôn đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian quy định, đặc biệt là thẩm định văn bản phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc tham gia góp ý xây dựng các văn bản pháp luật của trung ương và địa phương; chủ trì, tham mưu cho tỉnh tổng kết thi hành nhiều luật, bộ luật, nghị quyết, chỉ thị quan trọng. Qua đó, tổng hợp, đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của ngành Tư pháp được tiến hành thường xuyên và đạt kết quả cao; góp phần nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành.

Nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật tạo chuyển biến mạnh mẽ, Sở Tư pháp đã phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở và đến được với mọi tầng lớp nhân dân. Công tác này đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của CBCC và nhân dân.

Tương tự, với các mặt công tác khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành như: Quản lý nhà nước về luật sư, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản, quản lý hộ tịch, lý lịch tư pháp...cũng được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp được triển khai mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá. Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách được quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...

Cùng với đó, việc đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tinh giản bộ máy biên chế đáp ứng yêu cầu thực hiện ba đột phá chiến lược theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh được Sở triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Công tác CCHC được quan tâm thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của ngành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức. Sở đã tham mưu cho tỉnh và thực hiện tốt vai trò là cơ quan chủ trì nội dung về cải cách thể chế tại địa phương, góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu trong công tác CCHC trong năm 2018, 2019. Hiện, Sở đưa 122/152 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết vào thực hiện tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; nâng cấp 11 TTHC từ mức độ 3 lên mức độ 4; kết nối, tích hợp 42 TTHC lên cổng dịch vụ công quốc gia...

Giai đoạn 2012-2019, Sở Tư pháp thực hiện thẩm định 786 dự thảo văn bản QPPL; tự kiểm tra 473 văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh, kiểm tra theo thẩm quyền 1.328 văn bản của HĐND, UBND cấp huyện. Qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện, kiến nghị các đơn vị, địa phương xử lý 90 văn bản có sai sót. Sở tổ chức 121 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp và tham mưu tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn tỉnh cho 27.517 lượt người tham dự, cấp phát miễn phí 1.564.220 tài liệu phổ biến pháp luật; cấp gần 36.000 phiếu lý lịch tư pháp; hoạt động trợ giúp pháp lý với tổng số gần 6.000 vụ việc; các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng trên 300.000 hợp đồng, giao dịch, thu phí trên 150 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 30 tỷ đồng...

Với những kết quả đạt được, Sở đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng nhiều hình thức khen thưởng. Đặc biệt năm 2020, tập thể Sở Tư pháp Quảng Ninh đã được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Ba. Đó là những minh chứng cụ thể để khẳng định, đánh giá, ghi nhận kết quả mà ngành đã đạt được trong quá trình hoạt động.

Sở Tư pháp sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tháng 5/2020.

- Phát huy thành tích đã đạt được, thời gian tới ngành Tư pháp tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?

+Thời gian tới, công tác tư pháp gắn với bối cảnh tình hình có nhiều thay đổi. Công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tiếp tục là chủ trương lớn, có nhiều chỉ đạo quan trọng để bước vào giai đoạn hoàn thiện, nhất là về thể chế, cơ chế.

Sở Tư pháp với vai trò là “Cơ quan gác cổng” cho tỉnh trong công tác xây dựng pháp luật nên xác định trách nhiệm ngày càng to lớn. Bám sát các chiến lược, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo quan trọng của Trung ương, Bộ Tư pháp và của tỉnh; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, cụ thể hóa vào điều kiện địa phương, đơn vị; nhằm thực hiện phương châm “Tư pháp chủ động”, tham gia, đóng góp ngày càng tích cực hơn vào các mục tiêu chiến lược của tỉnh. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác; tăng cường đào tạo chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống của ngành; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do ngành và tỉnh phát động...

Cũng nhân dịp này, thay mặt cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Quảng Ninh, tôi xin trân trọng cảm ơn các thế hệ cha, anh đi trước đã xây dựng, vun đắp truyền thống của ngành, làm nền tảng vững chắc cho thế hệ sau kế thừa và phát triển; trân trọng và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quan tâm phối hợp của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các sở, ngành, địa phương, đơn vị và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân với tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp.

Thanh Hoa (Thực hiện)

Luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh: “Sở Tư pháp đã có nhiều hướng dẫn, hỗ trợ phát triển nghề luật sư trên địa bàn”

Trong những năm qua, Sở Tư pháp có nhiều hướng dẫn, hỗ trợ phát triển nghề luật sư trên địa bàn. Đến nay, đội ngũ luật sư của tỉnh phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức

Thời gian tới, chúng tôi mong Sở tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với Đoàn Luật sư tỉnh và các luật sư; chính sách thu hút các luật sư giỏi, có uy tín và nhiều kinh nghiệm, phối hợp tham gia vào hoạt động của các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND tỉnh trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho tỉnh và người dân trong tố tụng hành chính. Đồng thời, thường xuyên giám sát, quản lý các tổ chức hành nghề luật sư; xử lý các đối tượng mạo danh luật sư, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh luật sư của tỉnh.

Chị Dương Thị Thu Hương, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả: “Nâng cao nghiệp vụ trong giải quyết TTHC về tư pháp - hộ tịch”

Thời gian qua, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Mông Dương thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ. Thực hiện cải cách tư pháp, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường đã chủ động giải quyết thủ tục hành chính cho công dân qua phần mềm quản lý hộ tịch; tăng cường tuyên truyền cho công dân ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về tư pháp, hộ tịch. Từ đầu năm 2020 đến nay, phường tiếp nhận 400 hồ sơ của công dân, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đón tiếp công dân và giải quyết 3.000 hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của phường. 100% thủ tục giải quyết đúng, chính xác, đảm bảo trước và đúng hạn.

Ông Đặng Ngọc Trường, Bí thư Chi bộ, Khu trưởng khu Chùa Bằng, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên: “Đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở”

Chùa Bằng là khu phố cổ, quan hệ dòng tộc lâu đời, nên quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở gặp không ít khó khăn, nhất là liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai, quyền thừa kế... Tuy nhiên, với kinh nghiệm, uy tín, thời gian qua, các hòa giải viên đã thực hiện hòa giải nhiều vụ việc thành công. Việc hòa giải thành ngay từ cơ sở đã góp phần tích cực giữ gìn tình làng nghĩa xóm, xây dựng gia đình, tổ dân, khu phố văn hóa và an ninh trật tự tại khu dân cư. Thời gian tới, mong công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, tạo điều kiện hơn nữa để các hòa giải viên cập nhật kiến thức, quy định mới của pháp luật.

Bà Lý Thị Hoa, thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu: “Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao kiến thức về pháp luật”

Thời gian qua, cán bộ của tỉnh, huyện, xã thường xuyên tuyên truyền nhiều pháp luật cho bà con. Thông qua tuyên truyền và nghiên cứu tài liệu hỏi - đáp pháp luật do cán bộ phát, bà con thêm hiểu biết về pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến sinh đẻ có kế hoạch, bạo lực gia đình, các quy định, quy chế về biên giới… Khi bà con có những thắc mắc đều được cán bộ giải thích tỉ mỉ, tận tình và dễ hiểu. Gần đây, người dân sinh con thứ 3, lấy chồng sớm, thanh niên vi phạm pháp luật hay gia đình, làng xóm mất đoàn kết… hạn chế nhiều. Bà con chấp hành tốt pháp luật, nhất là không vi phạm quy định về biên giới, hễ thấy có dấu hiệu khả nghi trên biên giới là báo chính quyền ngay để ngăn chặn các loại tội phạm. Tôi mong muốn có thêm nhiều buổi tuyên truyền để người dân thường xuyên được nắm bắt và được giải đáp những thắc mắc về pháp luật.

Nguyễn Huế - Thanh Hoa (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202008/75-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tu-phap-288-1945-2020-lam-tot-vai-tro-co-quan-gac-cong-trong-xay-dung-chinh-sach-phap-luat-2497457/