Làm tốt hơn việc mỗi ngày

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân ở vào một thời kỳ lịch sử cụ thể. 70 năm sau, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn vẹn nguyên tính thời sự.

Giá trị cốt lõi của thi đua yêu nước trong Lời kêu gọi của Người không phải chỉ thích hợp với giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc mà những điều Người chỉ ra để tránh bệnh hình thức, tránh việc chạy theo thành tích đang là câu chuyện của ngày hôm nay.

Ảnh tư liệu (Nguồn: Báo Lao Động).

“Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước, cho dân tộc”.

Đó là câu nói giản dị về thi đua yêu nước của Người. Như vậy nếu trong thực tế, nếu có diễn ra những phong trào thi đua yêu nước một cách rầm rộ, mang tính hình thức thì đó là do chúng ta đã chưa thực hiện đúng theo tư tưởng của Bác.

Việc thi đua, theo Bác, trước hết là vì quyền lợi cá nhân mỗi người “ích lợi cho mình”, rồi đến “gia đình mình” và sau đó là mới là cho xã hội, cho đất nước “ích lợi cho làng cho nước, cho dân tộc”.

Nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân trong đó việc thực hành thi đua yêu nước không phải là việc xa lạ, lên gân mà tính thực tiễn, cụ thể, thiết thực của thi đua yêu nước là làm tốt hơn những công việc hàng ngày của mỗi người.

Vào thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, sự nghiệp cách mạng đang đứng trước mục tiêu lớn nhất lúc ấy là làm cho nước nhà nhanh giành được độc lập.

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể khẳng định trong từng giai đoạn lịch sử, thành quả đạt được của đất nước đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước.

Nhưng cũng từ thực tiễn đất nước 70 năm qua, từ những bài học lịch sử, việc vận dụng tư tưởng Thi đua ái quốc vào ngày hôm nay phải mang một giá trị mới, một tinh thần mới phù hợp với thời đại, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Lòng yêu nước là quý báu, là vô giá, lúc nào cũng cần thiết; khi đất nước bị đe dọa chủ quyền, Tổ quốc bị lâm nguy thì càng cần thiết yêu nước hơn bao giờ hết.

Nhưng lòng yêu nước không phải là một khái niệm trừu tượng, chung chung, mà luôn luôn được biểu hiện bằng những hành động cụ thể.

Biểu hiện lòng yêu nước mỗi người một kiểu, mỗi thời một cách.

Như lúc nước nhà đứng trước nạn xâm lăng, thì vì còn nhỏ tuổi chưa được họp bàn việc nước, Trần Quốc Toản, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết.

Sau đó lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ :”Phá cường địch, báo hoàng ân” .

Thời chống Mỹ, các nhà văn Việt Nam có thể không trực tiếp cầm súng nhưng những bài bút ký như “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi” của nhà văn Nam Hà, thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật..., đã có giá trị như sự khơi dậy, thôi thúc và động viên sức mạnh của những người lính ngoài mặt trận…

Hiểu lòng yêu nước ở ý nghĩa rộng lớn thì nhà khoa học, thầy giáo, kĩ sư, bác sĩ, công nhân... làm tốt nghĩa vụ của mình cũng là yêu nước.

Ở nghề nào, ngành nào, ở mỗi con người nào cũng có cách thể hiện lòng yêu nước rất cụ thể...

Thi đua yêu nước cũng vậy. Đó không phải là khẩu hiệu. Đó cũng không phải là việc chỉ chờ đến khi có phong trào này, phong trào kia được phát động mới là thi đua yêu nước.

Như tinh thần Lời kêu gọi, thi đua yêu nước là làm tốt hơn công việc hàng ngày của mỗi người, miễn là có lợi cho bản thân mình, gia đình mình, đặt trong lợi ích chung của xã hội và đất nước.

Lòng yêu nước không phải thứ để “trưng diện”, để “đánh bóng” danh tiếng, để vơ vào, để làm sang cho bất cứ một ai có động cơ cá nhân vụ lợi.

Thi đua yêu nước cũng không phải là việc bề nổi chỉ cốt để lấy danh tiếng. Mọi người dân đều yêu nước và mỗi người có một cách để biểu thị tinh thần thi đua yêu nước của mình.

Thật khó để cân đong xem giữa một người nông dân cần mẫn làm ra hạt lúa, củ khoai với những người làm những việc to tát lớn lao hơn xem tinh thần thi đua yêu nước của ai giá trị hơn ai.

Mỗi người có tinh thần yêu nước, có hành động thi đua yêu nước cụ thể khác nhau nên hiệu quả cũng khác nhau.

Cho nên kết quả của thi đua yêu nước với người này có thể nhìn thấy ngay, bộc lộ rõ nhưng với người khác lại là cả quá trình tích cóp lâu dài mới tạo ra các giá trị.

Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch 70 năm trước đã thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

“Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”.

70 năm sau, tinh thần thi đua yêu nước cần được khích lệ phù hợp với thời đại mới để đạt tới mục tiêu chung là dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đời sống nhân dân hạnh phúc.

Mà trong đó, đổi mới trước hết là ở việc biểu dương khen thưởng để thi đua yêu nước là việc của mỗi người mỗi ngày, không phải là việc hình thức, trình diễn.

Nguyễn Đức Thành Vĩnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/lam-tot-hon-viec-moi-ngay-tintuc406506