'Làm toán' với sách giáo khoa mới

Sau những lần 'nhỡ hẹn', chiều 22-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Theo như danh mục, có 32 bộ SGK đã được phê duyệt và công bố trong đợt này.

Các bộ sách sẽ được triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, để SGK mới vào thực tiễn còn phải giải quyết nhiều vấn đề đã và đang đặt ra.

Biên soạn và thẩm định thế nào?

Đó là điều mà nhiều người muốn tìm hiểu về quá trình biên soạn và thẩm định một bộ SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT. Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “Quá trình biên soạn và thẩm định được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan và minh bạch”. Khâu đầu tiên để triển khai biên soạn SGK, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực trên cơ sở khung chương trình chung đã được ban hành sẽ tiến hành biên soạn, sau đó đăng ký và nộp bản thảo đến các nhà xuất bản (NXB). Các NXB đủ điều kiện và được cấp phép xuất bản SGK tiến hành biên tập, hoàn thiện bản mẫu. Khi có mẫu SGK, NXB phối hợp cùng tổ chức, cá nhân biên soạn tổ chức thực nghiệm. Sau quá trình này, bộ mẫu SGK được trình lên hội đồng thẩm định để lựa chọn ra các mẫu đạt yêu cầu về khung chương trình, phù hợp với các phương pháp và đối tượng dạy học.

 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu các bộ sách giáo khoa mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu các bộ sách giáo khoa mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam đánh giá, các bộ sách biên soạn được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, theo một quy trình chặt chẽ. Chỉ riêng với 4 bộ SGK được phê duyệt của NXB Giáo dục Việt Nam đã phải huy động đến 150 tổng chủ biên, chủ biên, hơn 700 tác giả là các nhà khoa học và đội ngũ giáo viên trên cả nước tham gia. Cũng chính vì quá trình biên soạn đó, NXB Giáo dục Việt Nam là một trong số 3 NXB (bên cạnh NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) có các bộ sách được Hội đồng thẩm định SGK lựa chọn trong danh mục được phê duyệt đợt này. Riêng NXB Giáo dục Việt Nam có 24 trong số 32 cuốn sách được công bố đạt tiêu chuẩn phê duyệt.

Nói về quy trình thẩm định sách giáo khoa để đi tới quyết định phê duyệt cuối cùng, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Thẩm định được tiến hành qua các bước tiếp nhận hồ sơ và bản mẫu, tiến hành thẩm định theo hội đồng độc lập, trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt”. Khi tiếp nhận 49 bản mẫu SGK với 9 môn học thuộc chương trình lớp 1 từ 3 đơn vị NXB gửi về, mỗi thành viên trong hội đồng thẩm định sẽ tiến hành nghiên cứu độc lập trong 15 ngày. Hết thời gian này, hội đồng sẽ tập trung thảo luận và nghe chính tác giả báo cáo về nội dung bản mẫu sách. Tiếp đó, hội đồng thảo luận công khai, công bố kết quả, đóng góp ý kiến trực tiếp đối với tác giả những nội dung cần chỉnh sửa (nếu có). Sau quá trình này, dựa theo các tiêu chí và yêu cầu của từng mẫu sách, hội đồng tiến hành thẩm định lại và kết luận đạt hay không đạt; hoặc đạt nhưng cần phải sửa chữa, bổ sung thêm. Khâu cuối cùng là trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định phê duyệt.

Kết quả sau đợt thẩm định của hội đồng, đã có 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở cả 9 môn học được đánh giá đạt, 11/49 bản mẫu đánh giá ở mức không đạt. Trong đợt này chỉ có SGK ở các môn học bắt buộc được công bố. Danh mục công bố gồm 32 cuốn. Trong đó, các môn: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật đều có 5 cuốn; môn Tự nhiên và xã hội, Hoạt động trải nghiệm đều có 3 cuốn; Giáo dục thể chất 1 cuốn.

Cần giải quyết nhiều bài toán để đưa SGK mới vào thực tiễn

Giá SGK mới được quy định ra sao? Các bộ sách được địa phương lựa chọn thế nào? Quá trình kiểm tra đánh giá có đạt được yêu cầu chung?... Đó là hàng loạt câu hỏi được đặt ra, cần giải quyết khi tiến hành đưa các bộ SGK đã được phê duyệt vào trường học, bắt đầu từ năm học 2020-2021 ở lớp 1.

Ngay sau khi có kết quả phê duyệt SGK, các tỉnh sẽ được yêu cầu tiến hành thành lập hội đồng lựa chọn mẫu SGK cho địa phương mình. Quá trình này được thực hiện đến tháng 3-2020. Thời gian tiếp theo cho đến hết tháng 5-2020, các sở GD&ĐT trên cơ sở bộ sách đã chọn, phối hợp với NXB có bộ sách để tiến hành tập huấn sử dụng SGK cho cán bộ cốt cán. Thời gian từ tháng 5 đến tháng 8-2020, các nhà trường sẽ tập huấn tại chỗ cho giáo viên việc sử dụng SGK để chính thức đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021.

Việc giao cho các địa phương tự lựa chọn SGK sẽ tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện sự tiêu cực trong quá trình lựa chọn. Ví dụ, một NXB có bộ sách được phê duyệt có thể “vận động” để các địa phương lựa chọn sử dụng bộ sách của mình. Thậm chí, cũng có thể có những địa phương lại lựa chọn ra những bộ sách chưa thực sự phù hợp với điều kiện của mình. Hay quá trình kiểm tra đánh giá đối với học sinh ở mỗi địa phương qua một bộ SGK khác nhau cũng sẽ gây ra sự lúng túng trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học ở các nhà trường. Điều này đã được PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đưa ra “lời giải”: “Quá trình chọn SGK được giao quyền cho từng địa phương. Có nghĩa là địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn của mình, chịu trách nhiệm với ngành giáo dục. Còn việc có nhiều bộ sách thì phải đáp ứng yêu cầu là được biên soạn trên cơ sở chương trình và khung kiến thức chung. Quá trình kiểm tra đánh giá cũng thay đổi hướng đến đánh giá sự hình thành được phẩm chất, năng lực cho học sinh qua quá trình học tập. Nghĩa là đánh giá học sinh làm được những gì từ kiến thức đó. Vì vậy, dù các địa phương có lựa chọn những bộ SGK khác nhau cho chương trình chung hay cho mỗi môn học thì cũng không tạo ra sự khác biệt trong quá trình kiểm tra đánh giá và mục tiêu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dư luận cũng đặt ra những băn khoăn với giá SGK không thống nhất, và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc một số NXB có thể đẩy giá sách lên cao. Điều này khi xảy ra sẽ gây nên tâm lý không tốt trong phụ huynh học sinh và xã hội. Để minh bạch hóa điều này, đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT đang phối hợp cùng Bộ Tài chính tìm ra một phương án phù hợp và tối ưu nhất với phương châm bảo đảm quyền lợi của học sinh là ưu tiên hàng đầu. Vì thế, sau khi các bộ sách được phê duyệt, giá SGK sẽ được giới hạn trong một khung cụ thể để các NXB có định hướng phù hợp.

DUY VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/lam-toan-voi-sach-giao-khoa-moi-603349