Lạm thu trong trường học: Không chỉ là rút kinh nghiệm

Đầu năm học 2018-2019, Sở GDĐT Hà Nội đã công bố 31 số điện thoại đường dây nóng của các quận, huyện, thị xã để người học, phụ huynh phản ánh tình trạng lạm thu. Dẫu thế, qua khảo sát ngay dịp đầu năm học, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội đã phát hiện ra 15 trường thu sai. Mới đây nhất, những bức xúc của phụ huynh có con học tại Trường THCS Thanh Xuân (Hà Nội) về các khoản thu gộp đã cho thấy: lạm thu trường học vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trước sự hồn nhiên của con trẻ, người lớn không khỏi băn khoăn về giải pháp chống lạm thu trong trường học.

Thu tiền thiếu khoa học

Cụ thể, những ngày vừa qua, phụ huynh học sinh Trường THCS Thanh Xuân được giáo viên chủ nhiệm phát thông báo để mang về cho phụ huynh với nội dung các khoản thu lên tới 8,298 triệu đồng, truy thu từ tháng 8 tới tháng 11/2018. Nhà trường quy định thời hạn trong tháng 11 này phụ huynh phải hoàn thành việc nộp các khoản thu nói trên. Cụ thể: chương trình nâng cao, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ năng khiếu với mức thu 1,158 triệu đồng/tháng/học sinh; mô hình liên kết toán tiếng Anh 400.000 đồng/tháng/học sinh, tiếng Anh bản ngữ là 400.000 đồng/tháng/học sinh…

Trước những bức xúc từ phía phụ huynh, ngay trong tối ngày 12/11, UBND quận Thanh Xuân đã có thông tin chính thức. Theo đó, Trường THCS Thanh Xuân thành lập ngày 22/7/2016 với định hướng hoạt động theo mô hình chất lượng cao từ năm học 2017-2018, song hiện chưa được phê duyệt để thực hiện mô hình này. Ngày 16/4/2017, nhà trường đã xây dựng đề án tổ chức dạy bổ trợ một số môn như ngữ văn, toán, tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, kỹ năng sống… với tổng mức thu là 1.958.000 đồng/tháng/học sinh, trong đó tiền học tiếng Anh hoặc tiếng Nhật là 400.000 đồng/học sinh/tháng, còn lại là tiền học các môn ngữ văn, toán …

Còn thông tin từ phía nhà trường cho hay, trong thời gian chờ được phê duyệt công nhận trường chất lượng cao, ngày 25/10/2018, nhà trường có tờ trình UBND quận Thanh Xuân xin phê duyệt cơ chế thu năm học 2018-2019. Ngày 6/11/2018, UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản chấp thuận đề xuất của nhà trường về các khoản thu. Trên cơ sở này, Trường THCS Thanh Xuân mới thông báo tới phụ huynh về việc tổ chức thu các khoản như đã thỏa thuận hồi đầu năm học.

Như vậy, có thể thấy, do thu gộp liền lúc 4 tháng học phí cùng với các khoản thu phụ khác, đã khiến số tiền đóng một lần/học sinh lên tới con số rất lớn. Hơn nữa, do phía nhà trường cũng chưa có những thông báo cụ thể việc hệ chất lượng cao chưa được phê duyệt, mà vẫn tổ chức thu như mức giá dành cho “chất lượng cao”, nên thông tin giữa nhà trường và phụ huynh chưa thông suốt. Do đó, để giải quyết những bức xúc từ phía gia đình học sinh, trước mắt UBND quận Thanh Xuân đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân tổ chức việc thu khoa học hơn, không thu gộp, thu dồn nhiều tháng, nhiều khoản; đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm vì chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền khiến phụ huynh chưa hiểu rõ về các khoản thu.

Chuyện lạm thu trong trường học không phải mới, trước thềm năm học 2018- 2019, chỉ đạo của ngành giáo dục nói chung, Sở GDĐT Hà Nội nói riêng về siết lạm thu cũng rất ráo riết, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Đơn cử như câu chuyện của Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức- Hà Nội), ngay những ngày đầu năm học mới, nhà trường đã đặt ra 17 khoản thu lên tới hơn 7 triệu đồng/học sinh đã khiến phụ huynh phải lên tiếng. Về vụ việc này, mới đây nhất, ông Đỗ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã cho biết: Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Đồng đã phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo. Đây là bài học để các trường cùng rút kinh nghiệm.

Nói “không” hay chung sống với lạm thu?

Trước đó, ở giai đoạn mới bước vào năm học 2018-2019, qua khảo sát ban đầu, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội đã phát hiện ra nhiều nhà trường thu sai, lạm thu gây bức xúc cho phụ huynh học sinh. Ông Trần Thế Cương- Trưởng ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP Hà Nội cho biết, theo kết quả khảo sát, các trường đều khẳng định đã thu đúng, thu đủ nhưng vẫn có phụ huynh phản ảnh qua đường dây nóng về tình hình lạm thu như thu tiền tự nguyện để lắp đặt điều hòa ở một số lớp, thu tiền mua đồ dùng vật dụng cho học sinh lớp 1 không đúng quy định...

Đây mới là những vụ việc tại Hà Nội, còn ở những địa phương khác trên cả nước thì sao? Ở năm học 2017- 2018, sau khi phụ huynh và truyền thông phản ánh, thanh tra Bộ GDĐT vào cuộc, hàng loạt nhà trường đã phải trả lại tiền thu sai qui định cho phụ huynh học sinh. Danh sách các trường thu sai cũng đã được Bộ GDĐT công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn cử như: Trường Tiểu học Tân Dân (An Lão-Hải Phòng) trả lại số tiền 738 triệu đồng; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Thanh Hóa) trả lại 250 triệu đồng; Trường Mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) trả lại các khoản tự nguyện, xã hội hóa, tổng số tiền 520.710.000 đồng…

Như thế, giờ đây nạn lạm thu không phải là cá biệt. Nếu năm nào cũng rút kinh nghiệm, để rồi vẫn tái phạm thì vấn nạn lạm thu thật khó chấm dứt!

Trao đổi với báo chí, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT) cho biết lạm thu trong trường học không phải vấn đề mới, năm nào cũng bàn đến, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Nhưng điều đáng tiếc là những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp…

Nhiều phụ huynh cùng có chung tâm sự, không riêng gì những trường học được báo chí điểm tên, tình trạng lạm thu, chưa thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường mà vẫn tổ chức thu hiện xảy ra ở nhiều trường, nhiều địa phương. Phụ huynh ai cũng bất bình, nhưng ai cũng có tâm lý vì con em mình đang học tại trường, lỡ phản ánh gay gắt mà khổ con trẻ… nên ai cũng đành ngậm ngùi cho qua.

Từ tâm tư của phụ huynh, một băn khoăn lớn cũng đặt ra, vậy chúng ta nên nói “không” hay là chung sống với lạm thu? Bởi mặc cho Hà Nội đã thiết lập đến 31 đường dây nóng để người dân phản đối tình trạng lạm thu, mà lãnh đạo các nhà trường vẫn cố tình vi phạm, thì rõ ràng đường dây nóng cũng chưa phải giải pháp giải quyết triệt để vấn đề. Vì thế, cần lắm một giải pháp có tính chất lâu dài, cùng sự giám sát chặt chẽ, chứ không phải những cuộc kiểm tra, thanh tra “trống dong cờ mở”.

Mạnh Dũng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/lam-thu-trong-truong-hoc-khong-chi-la-rut-kinh-nghiem-tintuc422626