Lạm thu đang làm xấu đi hình ảnh về ngành giáo dục

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Muốn thực hiện tốt các quy định về tài chính, thu chi, mỗi hiệu trưởng trước hết phải hiểu và thực hiện đúng, không lợi dụng, vận dụng để làm trái quy định.

Trong tuần qua, “lạm thu” là câu chuyện được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra ở một số tỉnh, thành đã phát hiện nhiều khoản thu vô lý và yêu cầu nhà trường phải trả lại tiền cho phụ huynh. Bức xúc trước lạm thu, trên một số diễn đàn xuất hiện làn sóng đòi “tẩy chay”, “xóa” Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các văn bản của Bộ nhằm đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Vậy giải pháp nào để tình trạng lạm thu được giải quyết một cách triệt để, tận gốc? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Trần Tú Khánh.

PV: Thưa ông, năm nay câu chuyện lạm thu lại tái diễn rất “mạnh mẽ”. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Vụ trưởng Trần Tú Khánh: Câu chuyện lạm thu đầu năm học đúng là không phải mới, năm nào cũng tái diễn với những mức độ và hình thức khác nhau, trong đó có nhiều hoạt động biến tướng trên danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước”, gây ra những phản ứng trong dư luận.

Để diễn ra những sự việc lạm thu như vừa qua có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và ngành giáo dục các địa phương. Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ những khoản không được thu là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Về các khoản thu xã hội hóa, thu hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động giáo dục, tài trợ học bổng trợ cấp cho người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, hướng dẫn rất rõ tại các Thông tư. Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã quy định, đơn vị sự nghiệp nói chung được thu hoạt động sự nghiệp khác. Vì vậy, trong trường hợp các cơ sở giáo dục đào tạo có tổ chức các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đào tạo như tổ chức bữa ăn trưa, trông giữ xe, thu phí vào bể bơi trong trường… thì phải báo cáo thông qua HĐND địa phương và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

PV: Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các văn bản đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong xã hội hóa; tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Việc này sẽ được Bộ triển khai như thế nào, cụ thể là sẽ rà soát những quy định nào để hạn chế tối đa sự biến tướng?

Vụ trưởng Trần Tú Khánh: Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 9974/VPCP ngày 19-9-2017 của Văn phòng Chính phủ về chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Vụ, Cục rà soát các văn bản liên quan để có hướng dẫn chi tiết và đôn đốc các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định, tuyệt đối không lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh và chủ trương xã hội hóa nhằm tổ chức thu các khoản đóng góp không đúng quy định như thời gian vừa qua.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương tổ chức hướng dẫn rõ hơn Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 về Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Điều lệ này quy định về trách nhiệm của hội cha mẹ học sinh và định mức thu cụ thể đối với các khoản thu để phục vụ cho hoạt động trực tiếp của Ban đại diện. Ngoài định mức thu đã được quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu thêm bất cứ khoản thu nào khác liên quan đến hoạt động giáo dục đào tạo của các cơ sở giáo dục và không được thu bất kỳ các khoản nào khác dưới hình thức không tự nguyện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 để đảm bảo nguyên tắc các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp và giao cho UBND trình HĐND tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa nhằm tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính áp đặt, cào bằng.

Ngoài ra, Bộ sẽ xem xét bổ sung cơ chế về huy động các khoản tài trợ, xã hội hóa, thực hiện thu, chi qua Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi một cách công khai, minh bạch.

PV: “Tự nguyện và thỏa thuận” là những cụm từ được nhắc đến nhiều trong những ngày qua, đó cũng là kẽ hở để nhiều hiệu trưởng “lách luật”. Vì thế, có ý kiến cho rằng, nên tách bạch hẳn vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không cho họ dính líu đến các khoản thu mang danh nghĩa “tự nguyện”. Ông có đồng tình với ý kiến này?

Vụ trưởng Trần Tú Khánh: Như trên tôi đã chia sẻ, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT đã quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản ủng hộ phục vụ trực tiếp hoạt động của Ban đại diện và Thông tư cũng quy định rõ danh mục các khoản không được thu. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình thực hiện đã có nhiều biến tướng, “lách luật” để thực hiện các khoản thu không đúng quy định, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có phần trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì vậy, theo tôi, cần thiết phải tách bạch hẳn vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh với các khoản thu mang danh nghĩa “tự nguyện”.

PV: Ngành Giáo dục đã có những văn bản chỉ đạo quyết liệt chống lạm thu đầu năm, tuy nhiên lạm thu vẫn “bùng phát” ở rất nhiều trường. Phải chăng công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm trong thu - chi chưa đủ sức răn đe?

Vụ trưởng Trần Tú Khánh: Ngày 28-7-2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản số 3936/BGDĐT-TTr về việc Hướng dẫn công tác thanh tra năm học 2017-2018. Trong đó, đặc biệt tập trung thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) trong việc dạy thêm, học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Việc thanh tra về thu chi cần bám sát tinh thần Công văn số 2794/BGDĐT-KHTC ngày 30-6-2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục và chống lạm thu năm học 2017-2018.

Như vậy, cùng với các quy định về thu - chi, Bộ cũng đã có những giải pháp về thanh tra, kiểm tra hết sức chặt chẽ và quyết liệt. Tuy nhiên, như tôi đã nói, để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm là do người đứng đầu ngành Giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục và công tác kiểm tra, xử lý sai phạm tại một số địa phương cũng chưa được làm tới nơi tới chốn.

PV: Theo ông, nếu chúng ta cứ để cho lạm thu kéo dài, mà không có ai bị xử lý để làm gương sẽ gây ra những hệ lụy gì?

Vụ trưởng Trần Tú Khánh: Đúng là vấn đề lạm thu đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua, mỗi năm lại có biến tướng khác nhau. Hệ lụy của vấn đề này là làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục, gây băn khoăn, bức xúc cho phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

Sau khi có phản ánh của báo chí cũng như sự vào cuộc của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số địa phương đã kịp thời có những chỉ đạo quyết liệt,  có hình thức xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu. Một số trường hợp đã bị đình chỉ công tác.

Mặc dù mới chỉ là bước đầu và chưa xử lý hết được những cơ sở giáo dục để xảy ra vi phạm trong thu - chi nhưng tôi cho rằng đây là những tín hiệu tốt, tạo niềm tin cho phụ huynh và xã hội, đồng thời có tác dụng răn đe đối với các cơ sở giáo dục khác.

PV: Là một nhà quản lý, ông có khuyến cáo gì tới các vị hiệu trưởng đang “giấu mình” sau những khoản thu vô tội vạ?

Vụ trưởng Trần Tú Khánh: Theo tôi, nhà trường là môi trường để rèn luyện tri thức, nhân cách cho học sinh. Bài học mà mỗi giáo viên thường dạy cho học sinh là phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Để học sinh thực hiện đúng điều này thì mỗi vị hiệu trưởng, mỗi giáo viên phải thực hiện đúng trước. Muốn thực hiện tốt các quy định về tài chính, thu chi, mỗi hiệu trưởng trước hết phải hiểu và thực hiện đúng, không lợi dụng, vận dụng để làm trái quy định.

Sự lên tiếng của các bậc phụ huynh và dư luận xã hội thời gian qua cho thấy, sự giám sát của xã hội đối với các vấn đề tài chính trong nhà trường rất rõ ràng, vì vậy, sự minh bạch, công khai của mỗi nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục là cần thiết để không chỉ giữ danh tiếng cho bản thân mà còn tạo dựng niềm tin cho xã hội về một môi trường giáo dục lành mạnh và công bằng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo CAND

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/la-m-thu-dang-la-m-xa-u-di-hi-nh-a-nh-ve-nga-nh-gia-o-du-c-227064.html