Lạm thu bảo hiểm học đường: Các trường 'lập lờ', phụ huynh 'sập bẫy'

Bộ GDĐT đã quy định, các cơ sở giáo dục đào tạo không tổ chức thu bảo hiểm tự nguyện (BHTN) của học sinh. Tuy vậy, 'mặc' lệnh của bộ, các trường vẫn ngang nhiên thu BHTN, 'lập lờ' giữa tự nguyện và bắt buộc khiến nhiều phụ huynh 'sập bẫy'.

Các trường học cần minh bạch thông tin về bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện để phụ huynh lựa chọn tham gia. Ảnh minh họa: Huyên Nguyễn

“Sập bẫy” tự nguyện

BHTN (hay còn gọi là bảo hiểm toàn diện; bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn) bản chất là dựa trên nhu cầu của mỗi gia đình, ai có nhu cầu thì mua. Tuy nhiên trên thực tế, việc muốn hay không nhiều khi không thuộc quyền tự quyết, tự nguyện của gia đình học sinh bởi mỗi địa phương đưa ra một quy định bắt buộc khác nhau hay có một cách “lừa” mua khác nhau. Còn phụ huynh “mua” xong vẫn mờ tịt về quyền lợi của con mình. Tình trạng này đang diễn ra phổ biến tại các địa phương.

Mới đây, phụ huynh Phan Văn Phong có con học lớp 2 tại Tiểu học Hà Nội (Ba Đình, Hà Nội) nhận được giấy thông báo thu tiền BHYT và bảo hiểm thân thể. Trong thông báo nhà trường không thể hiện rõ khoản nào là bắt buộc, khoản nào là tự nguyện. Sau khi kiến nghị, nhà trường đã thừa nhận là sơ suất khi không nêu rõ ràng khoản thu tự nguyện.

Tương tự, phụ huynh Trịnh Văn Quang (Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 1 bức xúc chia sẻ: Trong danh mục các khoản thu đầu năm, nhà trường thông báo mức thu bảo hiểm thân thể là 100.000 đồng/năm cùng với BHYT nhưng không phổ biến có bắt buộc hay không. Nhiều phụ huynh lầm tưởng đây là khoản bắt buộc nên đóng mà không suy nghĩ. Một số người sau khi đóng tiền rồi mới biết bảo hiểm thân thể hóa ra có tên gọi khác là BHTN, không phải bắt buộc. Nhưng vì đã đóng rồi không “đòi” lại được nên đánh ngậm ngùi chấp nhận. Cũng theo khảo sát của PV, hầu hết phụ huynh, học sinh không hề biết mình đã mua BHTN của công ty nào, quyền lợi ra sao, có ưu việt hơn BHYT, phạm vi thụ hưởng thế nào... vì “trường bảo sao nghe vậy”.

Nguyên lãnh đạo một trường trên địa bàn Hà Nội tiết lộ: “Một trong những nguyên nhân khiến các trường không rõ ràng trong các khoản thu này chính là vì lợi nhuận “hoa hồng”. Các trường thường chủ động chọn những đối tác có chiết khấu lớn. Có công ty trả “hoa hồng” tới 35% - đây được coi là một “món mồi” béo bở vậy”.

Không chỉ các trường tự lựa chọn, nhiều phòng GDĐT, sở GDĐT còn chỉ định các trường chỉ được cho một số công ty bảo hiểm nhất định tham gia vào tuyên truyền, mua - bán bảo hiểm. Đơn cử, Phòng GDĐT TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) có công văn 310 ngày 3.8 về việc triển khai bảo hiểm cho cán bộ giáo viên, học sinh năm 2017-2018 đã giới thiệu tên 4 công ty đến tuyên truyền, vận động việc tham gia bảo hiểm trong các trường học trực thuộc.

Công văn đề nghị các trường “tuyệt đối không tham gia bảo hiểm với các công ty mà không có văn bản giới thiệu của Sở GDĐT và phòng GDĐT. Chỉ tham gia loại hình bảo hiểm này khi thực hiện 100% BHYT học sinh. Đây là một trong các tiêu chí để đánh giá thi đua của nhà trường. Đề nghị thủ trưởng các đơn vị tuyên truyền, triển khai công tác này ngay từ đầu năm học”, công văn nêu rõ.

Công văn trên gây nhiều bất bình trong dư luận khi cho rằng việc mua bảo hiểm là tự nguyện nên người tham gia được quyền tự lựa chọn đơn vị tín nhiệm.

Các trường không được tổ chức thu BHTN

Trả lời về vấn đề trên, ông Ngô Minh Hưng - Trưởng phòng GDĐT TP.Bắc Giang - cho biết: Bảo hiểm là tự nguyện, tuy nhiên các đơn vị bảo hiểm vào trường học để tuyên truyền thì phải cần sự cho phép của các cơ quan quản lý. Nhà trường không phải là thị trường. Về tiêu chí thi đua, Trưởng phòng GDĐT cho biết: “Chúng tôi đánh giá tiêu chí thi đua là ở thực hiện 100% bảo hiểm y tế mới được tham gia bảo hiểm tự nguyện chứ không phải là tiêu chí tham gia bảo hiểm tự nguyện như mọi người lầm tưởng” - ông Hưng nói.

Không đồng tình với cách làm trên, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng: Việc thực hiện BHTN tại trường học hiện nay đang thiếu minh bạch. Bởi mức chi lợi nhuận cao nên nhiều trường bất chấp, lập lờ trong thông báo đối với phụ huynh. Cũng trên tinh thần tự nguyện, thì việc phòng GDĐT, sở GDĐT ra văn bản yêu cầu chỉ được mua bảo hiểm của một số cơ sở nào đó là không hợp lý. Cơ sở lãnh đạo chỉ nên đưa ra những khuyến cáo để phụ huynh, học sinh lựa chọn. “Bên cạnh đó, việc công văn đưa ra có điều kiện về đánh giá thi đua dù là dưới hình thức nào thì cũng là một hành động gây “áp lực”cho các trường” - PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cho hay.

Mặt khác, tại Công văn 4660/BGDĐT-CTHSSV ngày 10.9.2015 của Bộ GDĐT về việc thực hiện bảo hiểm cho học sinh, sinh viên, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo không tổ chức thu các khoản BHTN. Cũng tại một hướng dẫn khác, Bộ GDĐT khuyến cáo các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục không can thiệp vào việc lựa chọn bảo hiểm, không lựa chọn doanh nghiệp và không giới thiệu doanh nghiệp bảo hiểm.

Huyên Nguyễn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/lam-thu-bao-hiem-hoc-duong-cac-truong-lap-lo-phu-huynh-sap-bay-564248.ldo