Làm thơ khó lắm!

Không biết có bao nhiêu học sinh biết làm thơ nhưng chắc chắn con số này rất ít vì làm thơ thuộc về năng khiếu đặc biệt mà không phải ai cũng có năng khiếu này.

LTS: Chia sẻ về cách dạy làm thơ trong chương trình Ngữ văn bậc trung học cơ sở hiện nay, thầy Lê Đức Đồng cho rằng, làm thơ không đơn giản chút nào.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

“Làm thơ khó lắm/ Phải đâu chuyện đùa/ Nếu không năng khiếu/ Thôi đành chào thua!”… Đó là những câu thơ nhại theo bài “Làm anh khó lắm” bỗng “bật” ra khi tôi thấy được những tiết học về “Tập làm thơ” của chương trình Ngữ văn bậc trung học cơ sở hiện hành.

Không biết có bao nhiêu học sinh biết làm thơ nhưng chắc chắn con số này rất ít vì làm thơ không đơn giản chút nào. Làm thơ thuộc về năng khiếu đặc biệt, năng khiếu bẩm sinh mà không phải ai cũng có năng khiếu này.

Sách Ngữ văn lớp 6, tập 2 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sách Ngữ văn lớp 6, tập 2 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sách Ngữ văn lớp 6, tập 2 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tái bản, 2019) có các bài “Tập làm thơ bốn chữ”, “Thi làm thơ năm chữ”.

Sách Ngữ văn lớp 7, tập 1 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tái bản, 2019) có bài “Làm thơ lục bát”.

Sách Ngữ văn lớp 8, tập 1 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tái bản, 2019) có bài “Làm thơ bảy chữ”.

Sách Ngữ văn lớp 9, tập 1 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tái bản, 2019) có các bài “Tập làm thơ tám chữ”.

Việc đưa vào dạy những tiết tập làm thơ, luyện tập, ra bài về nhà làm theo đề tài của thầy cô đưa ra chỉ mất thời gian mà không thu được kết quả như mong muốn là học sinh biết… sáng tác các thể thơ.

Trước hết là cách đặt tựa bài không thống nhất từ lớp 6 đến lớp 9. Lớp 6 và lớp 9 thì ghi là “Tập làm thơ…” nhưng lớp 7 và lớp 8 lại ghi là “Làm thơ…”.

Theo tôi, đối với học sinh thì “Tập làm thơ…” thì sẽ chính xác hơn, khơi gợi được việc học này chỉ là “tập” chứ chưa “làm”.

Bên cạnh đó, theo tôi biết thì có rất ít thầy cô biết làm thơ, sáng tác thơ (tức là có năng lực, năng khiếu sáng tác, sáng tạo) thì chắc chắn chỉ dạy “chay”, dạy máy móc, cứng nhắc theo sách mà thôi.

Mặt khác, cách học và cách dạy này càng làm cho học sinh hiểu lệch lạc về thơ, một thể loại văn học dùng ngôn ngữ làm công cụ, dùng hình tượng để phản ánh và có sức biểu đạt cao, sâu sắc như thơ.

Hoạt động ngữ văn: làm thơ bảy chữ (Ảnh: tác giả cung cấp).

Thơ đâu phải là sự dễ dãi trong ráp vần, trong từ ngữ bình thường mà phải lao tâm khổ trí tìm từ ngữ là phải “lọc hàng tấn quặng từ”…

Đến phần ra bài tập về nhà mới nhiều phen cười ra nước mắt. Các em phải nhờ người lớn (cha mẹ, anh chị, người quen có khiếu thơ ca…) làm những bài thơ sống sượng, gượng ép để nộp bài thầy cô chấm. Nhiều em lại có “sáng kiến” là chôm chỉa bài trên mạng, trên sách báo vì như trên đã nói làm thơ không dễ mà là rất khó. Có một học sinh chôm bài của tôi, đăng trên “Nội san” của trường và trường gởi “Nội san” cho thư viện tỉnh. Tôi điện thoại về trường và xin gặp qua điện thoại học sinh đó. Em trả lời tỉnh queo là thấy bài hay thì lấy về, đánh máy lại… Thầy cô đã gián tiếp “đẩy” các em vào việc vi phạm bản quyền tác giả qua những “bài tập” của tiết học “Tập làm thơ” nêu trên. Thay vì học cách cảm thụ, cách hiểu một bài thơ, một đoạn thơ (tùy theo độ tuổi) thì sẽ có tác dụng hơn, bổ ích hơn đối với các em.

LÊ ĐỨC ĐỒNG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lam-tho-kho-lam-post202955.gd