Làm theo lời Bác, thiếu nhi cả nước làm 'Kế hoạch nhỏ'

Ra đời từ năm 1958 theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (Hà Nội) và Hải Phòng, nhiều năm qua, phong trào 'Kế hoạch nhỏ' đã được các liên đội và đông đảo thiếu nhi cả nước duy trì với nhiều cách làm sáng tạo, khẳng định là phong trào truyền thống của Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Năm học 2018-2019 vừa qua, Dương Phương Nghi, học sinh lớp 2B, trường tiểu học thị trấn Đông Anh, Hà Nội được nhận danh hiệu “Kiện tướng Kế hoạch nhỏ”. Đó là kết quả nhiều lần Phương Nghi cẩn thận cất từng tờ báo cũ của bố mẹ, những quyển truyện của anh, những món đồ không dùng tới mang đến trường làm “Kế hoạch nhỏ”.

“Kế hoạch nhỏ” là phong trào có sức sống lâu bền của Đội nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Thi đua làm “Kế hoạch nhỏ” cùng với Phương Nghi, thiếu niên, nhi đồng khắp các liên đội trên cả nước đã hưởng ứng phong trào bằng những cách làm sáng tạo.

Theo Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hải Phòng Vương Toàn Thu Thủy, ngoài phương pháp truyền thống là thu gom giấy, phế liệu, từ năm học 2014 – 2015, Hội đồng Đội TP đã triển khai phong trào “Áo ấm tặng bạn” dưới nhiều hình thức như: vận động thiếu nhi quyên góp quần áo mùa đông, khăn ấm, găng tay, tất, giày còn sử dụng được, góp vở viết mới, sách giáo khoa; đồ dùng học tập… tặng học sinh miền núi.

Công trình “Kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi Hải Phòng - Ảnh: Minh Châu

Công trình “Kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi Hải Phòng - Ảnh: Minh Châu

Kết quả là 5 năm qua, trên 87,6 nghìn thiếu nhi đang học tập tại 75 liên đội trên địa bàn TP Hải Phòng đã quyên góp được 537.955 bộ quần áo, 25.750 quyển vở mới, 10.010 đồ dùng học tập và 1.948 các vật dụng như: chăn, mũ, khăn, giày dép… tương đương với hơn 280 tấn hàng đã được gửi đến thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang…

“Những tấm chăn, quần áo ấm đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt, được giặt, là sạch sẽ hay những cuốn vở, đồ dùng học tập khi được gửi tặng đúng địa chỉ người cần lại trở thành niềm vui, động lực giúp các em nhỏ tiếp tục đến trường nhất là trong những ngày đông buốt giá. Hơn hết, phong trào còn góp phần giáo dục thiếu nhi ý thức tiết kiệm, tinh thần sẻ chia cùng cộng đồng”, chị Thu Thủy nói.

Với đặc thù là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu niên, nhi đồng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhiều em học tập, sinh hoạt tại các điểm trường vùng cao còn nhiều thiếu thốn nên phong trào “Kế hoạch nhỏ” ở Bắc Kạn cũng có những nét đặc trưng riêng.

Hội đồng Đội tỉnh đã triển khai mô hình “Vườn rau khăn quàng đỏ” ở 190/190 liên đội. Mô hình này đặc biệt phát huy hiệu quả tại các trường nội trú, bán trú - nơi có quỹ đất và học sinh học tập, sinh hoạt tập trung tại trường. Rồi mô hình “Đàn gà khăn quàng đỏ” cũng được triển khai rộng khắp xuất phát từ đặc điểm thiếu nhi phần lớn ở nông thôn, gắn bó với việc trồng trọt, chăn nuôi từ nhỏ.

Kể về việc tham gia mô hình “Đàn gà khăn quàng đỏ”, em Đặng Thị Nhiệm, học sinh lớp 7, trường THCS Dương Quang, TP Bắc Kạn phấn khởi khoe: “Em đã nhận được phần thưởng chăm sóc gà tốt nhất và hơn 600 nghìn đồng từ việc bán gà. Đó là kết quả sau 6 tháng em cùng các bạn trong trường đăng ký tham gia nuôi những chú gà giống được nhà trường giao sau khi đã được tiêm phòng. Em sẽ dành số tiền này để mua sách vở, đồ dùng học tập. Đây là số tiền lớn với một hộ nghèo như gia đình em”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bắc Kạn Ma Thị Mận cho hay, cùng với hai mô hình trên, mô hình trồng cây dược liệu cũng là cách làm sáng tạo được một số liên đội của huyện Chợ Mới, Ba Bể… triển khai tận dụng quỹ đất của nhà trường để trồng những cây dược liệu như: sả, gừng, nghệ… phục vụ nhu cầu chưng cất tinh dầu của nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ưu điểm của mô hình này là dễ thực hiện do các loại cây trồng không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, vừa sức với học sinh.

Thiếu nhi Bắc Kạn cùng những chú gà khăn quàng đỏ - Ảnh: Huyền Thương

Với cách làm này, trong giai đoạn 2013- 2018, cùng với thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bắc Kạn đã hưởng ứng phong trào “Kế hoạch nhỏ” một cách rất tích cực và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Thiếu nhi toàn tỉnh đã thu gom được 5.000 kg giấy, phế liệu các loại, chăm sóc 938 “Đàn gà khăn quàng đỏ”, sau khi trừ chi phí thu được hơn 400 triệu đồng và gần 300 triệu đồng từ mô hình “Vườn rau khăn quàng đỏ” góp vào quỹ “Kế hoạch nhỏ”.

“Với tổng kinh phí từ nguồn quỹ “Kế hoạch nhỏ” là hơn 1,3 tỷ đồng, nhiều công trình, phần việc măng non đã có thêm nguồn lực để thực hiện. Đó là 28 sân chơi cho thiếu nhi, đỡ đầu 183 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn cũng như dành tặng 600 xe đạp, 1.500 suất quà cho thiếu nhi vượt khó học tốt. Hơn hết, phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã giáo dục thiếu nhi tình yêu lao động, phát huy tính tự giác, tích cực của các em”, chị Ma Thị Mận chia sẻ.

Nói về phong trào “Kế hoạch nhỏ”, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương đánh giá, nhiều năm qua, phong trào đã trở thành hoạt động truyền thống tiêu biểu của tổ chức Đội, tạo được nhiều dấu ấn trong lòng các thế hệ thiếu nhi. Ý nghĩa giáo dục sâu sắc xuyên suốt trong quá trình thực hiện phong trào đã tạo nên tính lan tỏa, hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần tạo điểm nhấn trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Riêng trong 5 năm qua, thiếu nhi cả nước đã thu gom được trên 7.247.096 tấn giấy vụn trị giá hàng chục tỉ đồng để xây dựng quỹ Đội và giúp đỡ thiếu nhi vượt khó. Nhiều tỉnh, thành không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ cấp phát những đồ dùng thiết yếu trước mắt mà còn đầu tư các phương tiện tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn cho thiếu nhi nghèo.

Với truyền thống hơn 60 năm, trước đòi hỏi của tình hình thực tế, Hội đồng Đội Trung ương sẽ đổi mới nội dung, phương thức triển khai phong trào trong giai đoạn mới sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, Bí thư Nguyễn Ngọc Lương cho biết./.

Minh Châu

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xay-dung-chinh-don-dang/hoc-va-lam-theo-bac/lam-theo-loi-bac-thieu-nhi-ca-nuoc-lam-ke-hoach-nho-524850.html