Làm theo lời Bác: Luôn hướng về phía mặt trời như đóa hướng dương

Thông qua những câu chuyện kể về người thật, việc thật sẽ giúp tuyên truyền, lan tỏa những việc làm tốt có ý nghĩa cho xã hội. Mỗi người sẽ thấy mình cần phải học tập, rèn luyện nhiều hơn để sống tốt hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương vui tươi bên học trò. (Ảnh: NVCC)

Đó là chia sẻ chân tình của cô Lã Thị Thúy Hằng – giáo viên môn tiếng Anh - Trường THCS Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, chủ nhân tác phẩm đoạt giải cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” do Báo Giáo dục và Thời đại phát động.

Cảm phục người đồng nghiệp

Cô Hằng tâm sự rằng, từ nhỏ cô đã mơ ước trở thành cô giáo và theo đuổi để thực hiện ước mơ đó. Hiện tại cô đã làm công tác giảng dạy được 19 năm. Khi được biết về cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác”, bản thân cô rất tâm đắc và lựa chọn viết về người đồng nghiệp đáng trân trọng của mình.

Những nỗ lực phi thường, vượt lên nghịch cảnh của người đồng nghiệp dạy cùng trường đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, khiến đồng nghiệp và phụ huynh cảm mến, nhân lên những năng lượng tích cực khiến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tác giả - Cô giáo Lã Thị Thúy Hằng. (Ảnh: NVCC)

Tác giả - Cô giáo Lã Thị Thúy Hằng. (Ảnh: NVCC)

Tác phẩm “Cô giáo Nguyễn Thị Hương – Đóa hướng dương luôn hướng về mặt trời” ra đời như những mạch cảm xúc nối liền trên khu vườn xanh lá, ngập tràn lòng cảm phục, sự quý mến. Đó là tình cảm của cô Hằng đối với một cô giáo kém may mắn hơn trong cuộc sống nhưng luôn lạc quan, hướng về tương lai tươi sáng.

Cô Hằng tâm sự: Tôi muốn giới thiệu đến mọi người tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Nội dung của tác phẩm của tôi kể về cô giáo Nguyễn Thị Hương, một cô giáo bị mất một chân do vướng phải quả mìn còn sót lại sau chiến tranh trong lúc làm vườn tăng gia sản xuất. Cô phải xa rời bục giảng và phải sống dựa vào chồng con. Nhưng Cô không chịu khuất phục trước những khó khăn trước mắt, cố gắng để làm tốt mọi việc trong gia đình và trở lại bục giảng tiếp tục sự nghiệp trồng người mà cô hằng say mê. Và cô Hương đã từng ngày cố gắng thực hiện tốt lời Bác dạy "tàn nhưng không phế"

Đóa hướng dương luôn hướng về mặt trời

Nhân vật chính trong tác phẩm của cô Lã Thị Thúy Hằng là cô Nguyễn Thị Hương (giáo viên môn Toán), sinh ra và lớn lên tại Chỉ Lăng - Đồng Mỏ - Lạng Sơn. Năm 1988 sau khi Tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô được phân công về giảng dạy tại trường THCS Yên Khoái. Với niềm đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô đã cống hiến hết mình cho học sinh thân yêu. Một thời gian sau cô lập gia đình và sinh được hai người con. Gia đình cô sinh sống hạnh phúc trong một ngôi nhà nhỏ tại Chi Ma - Yên Khoái.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương và học trò. (Ảnh: NVCC)

Tai họa bất ngờ ập đến vào năm 1994, một hôm cô cuốc đất tăng gia sản xuất thì vướng phải một quả mìn còn sót lại sau chiến tranh. Hậu quả khiến cô bị thương nặng và mất đi chân trái. Mọi thứ như đổ sụp trước mắt, cô Hương phải tạm xa bục giảng và lũ học trò nhất quỷ nhì ma.

Nhờ tình yêu thương của chồng con, cô Hương lấy lại cân bằng và nghị lực sống. Cô tập đi bằng chân giả và làm mọi việc để không phải phụ thuộc vào người khác. Năm 1997, sau 3 năm tai nạn, cô xin đi làm trở lại và gắn bó với ngôi trường Yên Khoái từ đó đến nay. Cô làm việc hết mình và đầy trách nhiệm. Cô không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà mà còn được chồng con yêu thương, bạn bè và đồng nghiệp kính trọng, nhân dân tin tưởng và yêu quý.

“Suốt 25 năm đứng trên bục giảng, cô Nguyễn Thị Hương là một đóa hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời. Từ câu chuyện của cô Hương, tôi mong muốn gửi thông điệp tới mọi người rằng: Đừng lùi bước trước những khó khăn. Hãy là đóa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, hướng về những điều tốt đẹp”, tác giả Lã Thị Thúy Hằng nhắn nhủ.

“Cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” là sân chơi bổ ích giúp nhân rộng những tấm gương sáng vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhờ cuộc thi này mà tôi và các đồng nghiệp của mình biết nhiều hơn đến những tấm gương sáng khắp mọi miền Tổ quốc, để hiểu, để cảm và để học hỏi vươn lên. Qua đó tôi học tập và trau dồi được nhiều vốn sống quý báu, bài học kinh nghiệm và nghị lực sống từ họ. Để từ đó sống tốt hơn, đẹp hơn và có ý nghĩa hơn” - cô Lã Thị Thúy Hằng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/lam-theo-loi-bac-luon-huong-ve-phia-mat-troi-nhu-doa-huong-duong-Xl5pzc9Gg.html