Làm theo Bác trên quê hương cách mạng

Nếu như trước kia, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu được biết đến là quê hương giàu truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc nơi đây không quản ngại khó khăn, gian khổ, nuôi giấu cán bộ trong những tháng năm trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay, tiếp nối truyền thống ấy, đồng bào các dân tộc nơi đây lại ra sức thi đua thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí Vương Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra mô hình “Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé”. Ảnh: Nhật Minh

Đồng chí Vương Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra mô hình “Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé”. Ảnh: Nhật Minh

Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Mường Kim đã tích cực, chủ động và quyết tâm thực hiện việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những cách làm thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, tập trung lồng ghép các nguồn lực nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã phát động các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Mặt trận Tổ quốc với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”...

Đến thăm bản văn hóa Thẩm Phé với những đặc trưng riêng biệt của đồng bào dân tộc Khơ Mú, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thái Sơn chia sẻ: “Bản Thẩm Phé có 100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú, luôn sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Bản có 7 năm liền đạt danh hiệu văn hóa, không có hộ sinh con thứ ba. Chúng tôi đang tham mưu cho huyện xây dựng Thẩm Phé trở thành bản du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng cảnh quan trên bến, dưới thuyền của bản. Những đặc sản của địa phương như món cá sấy đặc trưng, rượu ngô thơm nức, hay những bài hát, điệu múa, lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú vẫn được bà con gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay”.

Sau khoảng 15 phút lênh đênh trên chiếc thuyền máy và cảm nhận vẻ đẹp nên thơ của hồ thủy điện Bản Chát, chúng tôi có mặt tại “Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé”. Đây là mô hình điểm đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ dự án trình Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phê duyệt để tổ chức triển khai “Mô hình Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương là cá”.

Đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ cùng cái bắt tay thật chặt, chị Lò Thị Dung, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: “Hợp tác xã hiện có khoảng 16 lồng cá, tổng diện tích nuôi cá trên mặt hồ khoảng gần 600m2. Với các loại cá chủ yếu như: Chép, chắm, rô phi... bình quân mỗi thành viên thu nhập khoảng 50 đến 70 triệu đồng/năm”.

Nhờ đẩy mạnh phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên người dân xã Mường Kim đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phát triển kinh tế, trồng lúa 2 vụ với các giống lúa chủ yếu như: Séng Cù, J02, Hương Thơm... cho năng suất đạt từ 5,5 đến 6,5 tấn/ha. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2016.

Phong trào thi đua chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố gắn với tổ chức các Đội tự quản vệ sinh môi trường tại các bản được triển khai hiệu quả. Hằng tuần các bản đều tổ chức quét dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, khử trùng chuồng trại.

Có thể khẳng định, hiệu quả thiết thực của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở xã Mường Kim đó chính là việc nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; người dân tích cực, chủ động trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ đó, đến hết tháng 4-2019, 100% số bản của xã Mường Kim có quy ước, hương ước và đội văn nghệ; số hộ nghèo giảm xuống còn 26,9%; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và hoàn thành 14/19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. “Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, dòng họ và địa phương, đồng bào các dân tộc trong xã quyết tâm xây dựng Mường Kim ngày càng giàu đẹp văn minh, xứng đáng là cái nôi cách mạng của tỉnh Lai Châu” - Ông Lò Văn Pộ có bố là Lò Văn Sậu, từng tham gia phục vụ, nuôi giấu đoàn cán bộ trong những năm kháng chiến, chia sẻ.

Thời gian tới, xã Mường Kim tiếp tục triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả để không những được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, mà còn phấn đấu đưa Mường Kim trở thành “xã nông thôn mới kiểu mẫu” trong giai đoạn tới.

Nhật Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lam-theo-bac-tren-que-huong-cach-mang/