Làm thế nào ứng phó với 'bệnh hứa'?

Ngẫm kỹ ra, bất cứ ai trong cuộc đời dài của mình, đều cũng vừa là nạn nhân, vừa là kẻ 'gây án', cứ hứa mà không làm.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Kể từ khi còn bé, cho tới khi đi làm, chúng ta thường gặp nhiều trường hợp thất hứa. Có nhiều người cứ hứa với ta, khiến ta chờ đợi, hy vọng rồi hụt hẫng, thất vọng vì lời hứa kia biến mất tăm tích trong không trung. Ngẫm kỹ ra, bất cứ ai trong cuộc đời dài của mình, đều cũng vừa là nạn nhân, vừa là kẻ “gây án”, cứ hứa mà không làm.

Những người chuyên hứa mà không làm, dân gian gọi là mắc “bệnh hứa”, hoặc các bạn trẻ thời đại thế giới phẳng vui vui gán cho họ biệt danh là những người thuộc đội NATO (No Action, Talk Only: Nói mà không làm). Sở dĩ tôi lấy ví dụ này chỉ để cho vui và giúp bạn dễ ghi nhớ mà tránh mắc “bệnh hứa” chứ không có ý định ám chỉ gì.

Thói quen hứa mà không làm kéo bạn tới thất bại. Nhiều người nói rất hay, hô quyết tâm chắc chắn, nhưng sau đó trở về nhà, lại không có hành động gì, không bắt tay vào làm để thực hiện điều mình đã nói, đã hứa. Như vậy nên không có kết quả tốt nào được tạo ra.

Tại sao nhiều người đều mắc chứng này, dù biết nó rất có hại? Qua nghiên cứu, thì đó là những người “không biết mình là ai”. Bởi họ không biết rằng, mình cần phải có trách nhiệm với lời nói của mình, với cam kết mình đã đưa ra, nếu không thực hiện lời hứa thì nghĩa là mình đang xung đột với chính mình, với những giá trị mình tin tưởng.

Có những người luôn miệng nói cho người khác biết rằng mình là người có trách nhiệm cao, mình là người uy tín. Nhưng khi việc đến tay, dù đã hứa, họ vẫn không làm, thì tự họ đã không nhất quán, và dẫn đến thất bại, đánh mất uy tín.

Để xóa bỏ “bệnh hứa”, nói mà không làm, chúng ta nên gắn mình vào với một danh dự. Khi không làm, mất danh dự. Thậm chí phải cam kết bằng tiền mặt. Cách này tỏ ra khá hiệu quả, bởi “đồng tiền gắn liền cảm xúc”.

Ví dụ khi bạn hứa sẽ tổ chức cho cả gia đình du lịch châu Âu. Bạn biết đây sẽ là chuyến đi mơ ước của cả gia đình, nhưng vì nó khá đắt đỏ nên bạn cứ trì hoãn hết năm này qua năm khác.

Để thực hiện được chuyến đi, bạn hãy đặt cọc một khoản tiền cho công ty du lịch, và sau đó, vì lo sẽ mất khoản tiền đặt cọc nếu bạn tiếp tục trì hoãn không đi, bạn dấn lên kiếm tiền nhiều hơn, giải quyết dứt điểm những việc còn lại, và chuyến đi trong mơ cuối cùng đã diễn ra.

Hãy ràng buộc mình vào một trách nhiệm đủ mạnh để thúc mình cố gắng thực hiện lời hứa bằng mọi giá. Hoặc tạo nên một nỗi sợ đủ ghê gớm nhằm thúc ép mình hành động, làm cho ra kết quả, thực hiện cam kết đã nêu với người khác hoặc với chính mình.

Nếu mình không làm để kết thúc việc đó, sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến những người thân thiết nhất chẳng hạn, điều đó hẳn nhiên gây nỗi sợ, ám ảnh sâu sắc, ép bạn nhất định phải thực hiện lời hứa đến nơi, đến chốn.

Những cam kết có liên quan đến vị trí trong công việc cũng tạo nên tác động mạnh mẽ. Trong một cuộc đua thực hiện kế hoạch tại công ty, nếu bạn không thực hiện lời hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ, bạn sẽ bị giáng chức. Ngược lại, bạn được thăng chức khi làm xuất sắc. Cam kết về vị trí này sẽ thúc đẩy bạn tiến lên.

Vậy đó, muốn chữa hết “bệnh hứa” không quá khó. Bạn đã nắm trong tay phương thuốc để chuyển đổi từ đội NATO (Nói mà không làm), sang đội AFTA (Action first, Talk after: Làm trước, Nói sau).

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/lam-the-nao-ung-pho-voi-benh-hua-HIslwSh7g.html