Làm thế nào nhận biết dấu hiệu sắp sinh?

Thời điểm chuẩn bị cho ngày 'vượt cạn', mẹ bầu thường lo lắng và băn khoăn không biết sinh khi nào. Làm thế nào có thể nhận biết được dấu hiệu sắp sinh?

Một số dấu hiệu báo trước

Cơn gò tử cung: Khi sắp sinh, mẹ bầu có thể cảm nhận được xuất hiện cơn gò tử cung ngày một nhiều hơn, cảm giác sờ trên bụng gò cứng, nhưng hoàn toàn không đau. Cơn gò này sẽ giúp ngôi thai bình chỉnh tốt hơn. Chính cơn gò này giúp thai nhi trong tử cung sẽ lọt xuống tiểu khung, để trình diện eo trên của khung chậu, để có một ngôi thai thuận đó là ngôi chỏm.

Dấu hiệu thai nhi lọt xuống: Cảm giác đầu tiên là thấy dễ thở hơn khi nằm, vì lúc trước bụng to, khó thở khi nằm, nên lúc nào cũng ở tư thế đứng hoặc nằm kê đầu thật cao như nửa nằm nửa ngồi. Dấu hiệu này do thai nhi lọt xuống tiểu khung, để chuẩn bị cho việc chuyển dạ sinh. Dấu hiệu thai nhi lọt xuống tiểu khung thường gặp nhất đối với người mang thai lần đầu. Đối với các mẹ mang thai lần thứ 2 trở đi, dấu hiệu này có thể gặp hoặc không gặp do thai nhi lọt xuống tiểu khung chỉ xảy ra khi bước vào chuyển dạ sinh thật sự.

Đau lưng hoặc đau trằn bụng dưới: Do nội tiết tố thai kỳ làm cho các khớp ở vùng chậu giãn, các dây chằng mềm hơn để cho các đường kính khung chậu của mẹ rộng hơn, giúp thai nhi lọt xuống được dễ dàng. Dấu hiệu này khá rõ khi mẹ di chuyển nhiều thì đau trằn bụng và ngồi lâu thì đau lưng.

Đi tiểu nhiều lần, đại tiện nhiều hơn ngày thường: Khi thai nhi đã lọt xuống khung chậu, cụ thể ngôi thai lọt xuống tiểu khung của mẹ sẽ kích thích bàng quang và tạo cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên, kích thích vào trực tràng ở phía sau nên tạo cảm giác muốn đi cầu.

Ở một số trường hợp sắp sinh nhưng không có dấu hiệu nào. Các dấu hiệu sắp sinh không báo trước bao gồm đau bụng từng cơn đều đặn vùng bụng dưới, xuất hiện cơn đau bụng đột ngột, với đặc tính cơn đau bụng từng cơn đều đặn, kéo dài khoàng 15-20 giây, sau đó nghỉ hết đau khoảng 3-5 phút. Cơn đau bụng là do cơn gò tử cung tạo ra. Dấu hiệu này báo chính thức bước vào chuyển dạ sinh, cơn đau bụng sau đó xuất hiện trở lại và cứ đều đặn như vậy, thời gian về sau cơn đau bụng nhiều hơn và thời gian nghỉ ngắn hơn.

Mẹ bầu sắp sinh có thể ra nhớt hồng âm đạo. Do khi có dấu hiệu sắp sinh, dưới tác dụng của cơn gò tử cung, nút nhầy được thoát ra, hòa lẫn ít máu bởi sự vỡ một số các mao mạch trên cổ tử cung, tạo ra dịch nhầy màu hồng.

Mẹ bầu sắp sinh có thể ra nước ối, dấu hiệu này hoàn toàn đột ngột thường xảy ra vào ban đêm, khi đang ngủ, có cảm giác ra nước ướt quần và có mùi tanh nồng của dịch ối. Đây là triệu chứng của ối vỡ sớm, báo hiệu dấu hiệu sắp sinh. Các dấu hiệu sắp sinh khác có thể có hoặc không.

Khám thai định kỳ để được thăm khám và tư vấn trước sinh.

Khám thai định kỳ để được thăm khám và tư vấn trước sinh.

Nên làm gì ?

Cùng với đi khám thai dự kiến ngày sinh và nhận biết được một trong các dấu hiệu sắp sinh, cần có kế hoạch chuẩn bị đồ dùng sinh cho bé và cho mẹ cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ và giấy tờ cần thiết để đi sinh.

Trên thực tế hiện nay, một số bệnh viện đã chuẩn bị tất cả các đồ dùng của bé và đồ của mẹ, nên khi chọn bệnh viện để sinh, thì cũng cần tìm hiểu. Nếu sinh ở cơ sở y tế gần nhà thì cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng để khi đi sinh con không phải lo thiếu đồ dùng cần thiết. Nếu là cơ sở y tế có khoa sản đã cung cấp đầy đủ đồ dùng của mẹ và bé thì mẹ không cần phải mang đi.

Ngoài ra, nên yên tâm sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi cũng như có giấc ngủ thật thoải mái.

Nên nghỉ ngơi và không làm việc nhiều ở thời điểm sắp sinh, làm việc nhẹ nhàng như ngồi đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn và đi bộ. Không thức khuya quá 22 giờ, tránh căng thẳng, hạn chế ngồi lâu trên máy vi tính hay ngồi lâu trước màn hình tivi trên 2 tiếng đồng hồ, tránh xem các phim bạo lực, phim tình cảm có tính chất gây buồn phiền... Thay vào đó, nên xem phim ca nhạc, phim hài mang tính chất hưng phấn, vui vẻ.

Cần theo dõi cử động thai, mỗi 2 giờ thai nhi sẽ máy và sẽ cử động đạp tay chân làm cho mẹ có cảm giác bé vận động 1 lần. Trung bình 1 ngày thai nhi sẽ cử động ít nhất 5 lần. Khi cảm giác của mẹ thấy thai nhi cử động ít hơn hay không cử động, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có khoa sản để bác sĩ chuyên khoa sản kiểm tra sức khỏe thai nhi.

BS. Trần Minh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-the-nao-nhan-biet-dau-hieu-sap-sinh-n193271.html