Làm thế nào để trở thành 'bậc thầy' của chuyển đổi số?

Để làm chủ chuyển đổi số, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay nên ưu tiên trải nghiệm của nhân viên, trải nghiệm khách hàng và cải tiến cách thức hoạt động.

 Ảnh: MIT Sloan

Ảnh: MIT Sloan

Trong 10 năm nghiên cứu về chuyển đổi số, giảng viên cao cấp của MIT Sloan George Westerman và cộng tác đã xác định được cách mà một số công ty đang trở thành "bậc thầy" chuyển đổi số, trong khi những công ty khác lại tụt lại phía sau.

Năng lực lãnh đạo là khả năng hình dung và thúc đẩy sự thay đổi của tổ chức theo những cách có hệ thống và có lợi. Khả năng áp dụng kỹ thuật số cho phép các tổ chức không chỉ nâng cao quy trình và sản phẩm hiện có mà còn cải thiện hoặc thậm chí tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Các công ty khai thác hiệu quả và hợp nhất hai khả năng trên có thể biến công nghệ kỹ thuật số thành một lợi thế kinh doanh. Năm 2021, việc làm chủ kỹ thuật số trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì rủi ro tụt hậu ngày càng tăng.

Giáo sư Westerman và cộng tác Didier Bonnet - giáo sư trường Kinh doanh IMD viết trong bài nghiên cứu 'Các yếu tố mới của chuyển đổi số': "Trong 10 năm nghiên cứu, chúng tôi đã chứng kiến sự chuyển đổi số ngày càng phát triển phức tạp, với làn sóng công nghệ và khả năng cạnh tranh mới đến trước khi các công ty làm chủ được công nghệ trước đó".

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, giáo sư Westerman cho biết, "Chúng tôi đã tận dụng cơ hội để suy ngẫm về những năm vừa qua và đánh giá xem mọi thứ cần thay đổi như thế nào". Khả năng lãnh đạo mạnh mẽ - tầm nhìn, sự tham gia và quản trị - vẫn là điều tối quan trọng.

"Khả năng hình dung và thúc đẩy sự thay đổi cũng quan trọng như khả năng làm việc với công nghệ. Nếu bạn không có cả hai, bạn không thể thành công trong thế giới này." Những điều thay đổi đáng kể chính là khả năng kỹ thuật số.

Westerman nói: "Ở khía cạnh kỹ thuật số, các công nghệ đang tiến bộ rất nhanh, đặc biệt là sự kết hợp của các công nghệ."

Cụ thể, những tiến bộ trong công nghệ bao gồm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo, thực tế tăng cường và 5G đã mở ra những con đường mới cho việc tạo ra giá trị mới.

Thay đổi trải nghiệm của khách hàng và trải nghiệm của nhân viên

Trải nghiệm khách hàng đã trở thành một cách quan trọng để các công ty tạo sự khác biệt trong thị trường của họ. Nó phụ thuộc vào khả năng của tổ chức trong việc không chỉ thu thập, phân tích và tích hợp dữ liệu khách hàng mà còn sử dụng các công nghệ như học máy Machine Leaning để cá nhân hóa tương tác trong thời gian thực và giúp xây dựng kết nối cảm xúc với khách hàng.

Nâng cao trải nghiệm nhân viên cũng quan trọng như trải nghiệm khách hàng.

Trong khi đó, một yếu tố mới - trải nghiệm của nhân viên - hiện cũng quan trọng như trải nghiệm của khách hàng. Trải nghiệm của nhân viên ngày nay đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công hay thất bại của chuyển đổi số.

Westerman nói: "Điểm đau (pain point) của nhân viên có thể là những gợi ý giá trị về những mảng nhà lãnh đạo có thể cải thiện hoạt động kinh doanh. Nếu nhà lãnh đạo đổi mới trải nghiệm làm việc, toàn bộ công ty sẽ trở nên tích cực hơn, bao gồm cả trải nghiệm của khách hàng".

Ông Westerman cũng xác định ba thành phần trong việc chuyển đổi trải nghiệm của nhân viên:

- Tăng cường: Việc sử dụng các công nghệ, chẳng hạn như rô bốt và thực tế tăng cường, để tăng năng suất và hiệu suất của nhân viên - giúp mọi người làm việc nhanh hơn, thông minh hơn và an toàn hơn.

- Sẵn sàng cho tương lai: Những cách mới để đào tạo kĩ năng cho nhân viên. Ông Westerman nhấn mạnh sự xuất hiện của một kiểu giám đốc học vấn mới - CLO (Chief Leanring Officer). CLO sẽ cải tiến nhiệm vụ học tập trở nên logic và dễ hiểu hơn. Điều này đảm bảo rằng người lao động được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để sử dụng các công nghệ mới và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

- Lao động linh hoạt: Một cách tìm kiếm nhân tài nhanh hơn thông qua đào tạo nhân viên kỹ năng mới và sử dụng nhiều lao động tự do. Các công ty đang bổ sung lực lượng lao động theo hợp đồng tiêu chuẩn và hợp đồng thời vụ bằng cách tuyển chọn nhóm nhân viên tạm thời mà họ biết và tin tưởng, chẳng hạn như khuyến khích nhân viên cũ và người nghỉ hưu quay trở lại. Ông nói: "Việc thu hút nhân viên cũ trở lại dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đào tạo một người mới."

Đổi mới mô hình kinh doanh

Tầm quan trọng của công nghệ số để đổi mới mô hình kinh doanh.

Một thay đổi khác là cách các công nghệ mới như cảm biến, Internet vạn vật và học máy cho phép các tổ chức cải thiện hoạt động vượt ra ngoài việc tăng hiệu quả đơn thuần để nâng cao trải nghiệm của khách hàng hoặc thậm chí kích hoạt các mô hình kinh doanh mới.

Các yếu tố của chuyển đổi mô hình hoạt động:

- Tự động hóa quy trình cốt lõi - Điều này cho phép áp dụng các phương pháp vận hành mới, ví dụ như sử dụng các phương tiện và thiết bị tự hành để thực hiện công việc nguy hiểm.

- Hoạt động kết nối và năng động - Các công ty hiện có thể xây dựng hệ thống các sản phẩm được kết nối mạng, chẳng hạn hệ thống vận chuyển như thang máy, họ có thể quản lý và tối ưu hóa các hoạt động cụ thể.

- Quyết định dựa trên dữ liệu - Bằng cách tích hợp dữ liệu hoạt động và phân tích theo thời gian thực, các công ty có thể đưa ra các quyết định chiến lược và hoạt động tốt hơn.

Những công nghệ này lần lượt dẫn đến những đổi mới mô hình kinh doanh như đa nền tảng, cải tiến kỹ thuật số và dịch vụ tiện ích mở rộng dựa trên thông tin.

Theo giáo sư Westerman, niềm tin rằng các tổ chức phải thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống hiện có của họ và phát minh ra một mô hình mới hoàn toàn dựa trên các nền tảng kỹ thuật số, như Airbnb hoặc Uber, là sai lầm.

Các công ty có thể sử dụng công nghệ kỹ thuật số để nâng cao và mở rộng những gì họ đã làm, tạo ra những cách thức mới để phục vụ khách hàng của họ.

Theo giáo sư Westerman, "Có rất nhiều cơ hội để thay đổi mô hình kinh doanh theo những cách mà không cần đổi mới hoàn toàn mô hình ban đầu".

Ví dụ: ngoài việc bán sản phẩm, các công ty có thể cung cấp dịch vụ đăng ký hoặc mở rộng mô hình bán sản phẩm bằng cách thêm các dịch vụ dựa trên dữ liệu. Hãng sản xuất bánh xe lớn nhất thế giới Michelin sử dụng các cảm biến nhúng trong lốp xe để theo dõi việc sử dụng xe và biến dữ liệu đó thành một dịch vụ giúp khách hàng quản lý toàn bộ xe.

"Những cách tiếp cận này không làm gián đoạn toàn bộ mô hình kinh doanh ban đầu và cũng không loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Thay vào đó, doanh nghiệp đang mang đến cho khách hàng dịch vụ tốt hơn và những cách mới để tương tác với các sản phẩm hiện có."

Các sự kiện gần đây, đặc biệt là đại dịch toàn cầu, đã đẩy chuyển đổi số lên ưu tiên hàng đầu đối với nhiều nhà lãnh đạo. "Họ cần xem xét cách thức sử dụng công nghệ kỹ thuật số không chỉ để nâng cao sản phẩm và quy trình mà còn để tái tạo lại hoạt động kinh doanh," theo giáo sư Westerman.

Theo Trường Quản lý MIT Sloan

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/lam-the-nao-de-tro-thanh-bac-thay-cua-chuyen-doi-so-post146088.html