Làm thế nào để người làm báo không bị nói xấu, bôi nhọ trên không gian mạng?

Theo chuyên gia báo chí Vũ Mạnh Cường, bất kể ai tham gia vào không gian mạng đều có thể bị tấn công, nhất là những người làm công tác báo chí.

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức buổi tập huấn "an toàn thông tin cho nhà báo trong môi trường số", với 2 chuyên đề: Nguy cơ tác động tới nhà báo từ môi trường số và giải pháp tăng cường an toàn tác nghiệp cho nhà báo trong môi trường số.

Tại buổi tập huấn, chuyên gia báo chí Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đã chia sẻ về đặc điểm của báo chí trong môi trường số hiện nay, đặc biệt là báo chí trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, lao động của nhà báo thay đổi, thích ứng với xu hướng số hóa.

Có thể nói, khi cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì báo chí Việt Nam cũng có những bước chuyển mình để phù hợp hơn với thời đại. Đó là thời đại công nghệ số. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mở ra vô vàn thời cơ, thuận lợi cho người làm báo.

Chuyên gia báo chí Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đã chia sẻ về đặc điểm của báo chí trong môi trường số hiện nay.

Chuyên gia báo chí Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đã chia sẻ về đặc điểm của báo chí trong môi trường số hiện nay.

Đơn cử như người làm báo có thể cùng lúc thực hiện nhiều tác phẩm báo chí chỉ bằng 1 chiếc điện thoại di động duy nhất như chụp hình, quay video, viết text, ghi âm… Từ đó, thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin của độc giả.

Chuyên gia báo chí Vũ Mạnh Cường cho biết, mặc dù môi trường số đã góp một phần lớn cho báo chí "chuyển mình", tiếp cận được với những công nghệ, tiện ích hiện đại nhưng người làm báo cũng phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ngay chính trên môi trường số, như: bị đăng tải thông tin sai sự thật; bị đánh cắp mật khẩu tài khoản mạng xã hội, email, tài khoản ngân hàng; bị giả mạo; bị lộ nguồn tin; bị theo dõi…

Chuyên gia báo chí Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh: "Có một sự thật là các nhà báo đang làm việc trong môi trường số lại rất chủ quan với chính mình trên môi trường số, hoặc rất ít người biết làm cách giữ an toàn cho chính mình, hoặc không cho rằng mình có thể gặp rủi ro…".

Toàn cảnh buổi tập huốn về "an toàn thông tin cho nhà báo trong môi trường số".

Theo ông Vũ Mạnh Cường, để có thể bảo vệ mình trước môi trường số, người làm báo phải chủ động phòng ngừa; phải "giữ mật khẩu như giữ con ngươi trong mắt mình"; không đưa thông tin cá nhân vào mật khẩu như: Ngày tháng năm sinh, tên con cái, số chứng minh thư nhân dân; không dùng chung 1 mật khẩu; thay đổi mật khẩu các tài khoản thường xuyên…

"Để đối phó với việc mất an toàn, người làm báo nên sẵn sàng tâm lý bị tấn công bất cứ lúc nào. Bởi người làm báo cũng có nguy cơ bị tấn công, người làm báo càng giỏi thì nguy cơ bị tấn công càng lớn…", ông Cường cho hay.

Nói về giải pháp tăng cường an toàn tác nghiệp trong môi trường mạng, tại buổi tập huấn, ông Trần Đăng Khoa – Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) nêu một số điểm người làm báo cần ghi nhớ để đảm bảo an toàn thông tin, như: Không nên chia sẻ quá nhiều thông tin của mình trên internet, mạng xã hội, các hội nhóm, cửa hàng, đối tác; không bao giờ chia sẻ mật khẩu, cân nhắc khi có thư hoặc điện thoại yêu cầu đổi mật khẩu; chỉ nên sử dụng các thiết bị riêng để làm việc.

Cẩn trọng khi bấm vào liên kết, tải các file đính kèm ở các website, mạng xã hội, công cụ chat… không rõ nguồn gốc; không lưu trữ, truyền các dữ liệu quan trọng, nhạy cảm mà không mã hóa; luôn sử dụng các chương trình antivirus để bảo vệ các thiết bị. Cập nhật thường xuyên các phiên bản mới…

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/lam-the-nao-de-nguoi-lam-bao-khong-bi-noi-xau-boi-nho-tren-khong-gian-mang-2020103022075882.htm