Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh phong?

Bệnh phong trước đây còn gọi là bệnh cùi, bệnh hủi. Là bệnh gây tàn tật, di chứng trầm trọng, lại có thể lây nên ai cũng sợ hãi. Trong khi đó bệnh dễ phòng ngừa và đã có thuốc đặc trị...

Bệnh phong có thể điều trị được

Bệnh phong trước đây còn gọi là bệnh cùi, bệnh hủi. Ngày nay khoa học đã chứng minh bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ra bởi vi trùng phong. Bệnh phong không phải là bệnh di truyền, không gây chết người, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những tàn tật, di chứng trầm trọng. Chính những tàn tật này làm cho người ta sợ hãi và quan niệm sai lầm về bện phong.

Nguyên nhân gây ra bệnh phong là do trực khuẩn phong, có tên khoa học là Mycobacterium Leprae, hay người ta còn gọi là vi trùng Hansen.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh phong ở giai đoạn sớm là trên da xuất hiện các dát bạc màu hoặc đỏ hồng kèm theo giảm hoặc mất dần cảm giác trên vùng da đó (như xúc giác, nhiệt giác). Tùy theo thời gian phát bệnh, trên cơ thể còn xuất hiện các triệu chứng như: vùng da bóng láng và phù nhẹ; đỏ da lan tỏa bóng láng và phù; u, cục đỏ, đau xuất hiện đột ngột; dái tai dày; lông mày thưa hoặc rụng đặc biệt ở 1/3 ngoài. Về thần kinh: xuất hiện một vùng da tê hoặc cảm giác kiến bò; xuất hiện sự yếu các cơ nhỏ ở bàn tay, bàn chân; dây thần kinh to hoặc mất cảm giác; mất chức năng bài tiết mô hồi ở một vùng da.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh phong ở giai đoạn muộn: xuất hiện tàn tật ở mắt như hở mi dẫn đến mù; ở tay có rụt, cò ngón tay; ở chân có rụt, cò ngón chân hoặc loét lỗ đáo. Các thương tật này dễ gây nên tàn tật suốt đời.

Bệnh phong thường lây khó và lây chậm do bởi đặc trưng về mặt dịch tễ của vi trùng phong. Bệnh lây lan chủ yếu qua da và viêm mạc có tổn thương bị trầy xước, mặt khác trực khuẩn phong sinh sản chậm với chu kỳ 12 - 13 ngày, không có vật chủ trung gian truyền bệnh. Trực khuẩn lại bị giết chết rất nhanh bằng các loại thuốc như Rifampicin, ofloxacin…, dễ mất hoạt tính với xà phong và ánh nắng.

Sự lây lan có phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể nữa. Vì thế, khi vùng da bị trầy xước của người bình thường tiếp xúc với vùng da bị trầy xước của bệnh nhân phong thì cần rửa tay bằng xà phòng trong vòng hai phút trực khuẩn sẽ chết hoặc để ngoài nắng cũng trong vòng hai phút trực khuẩn cũng sẽ chết. Ngoài ra, tắm hàng ngày cũng là cách để ngăn ngừa bệnh phong.

Vệ sinh sạch sẽ góp phần phòng ngừa bệnh phong

Bệnh phong ngày nay đã được chữa khỏi hoàn toàn. Hiện tại người mắc bệnh phong được điều trị miễn phí, điều trị tại nhà. Điều trị bệnh phong theo nguyên tắc phối hợp thuốc (gọi là đa hóa trị liệu).

Bệnh nhân nhóm ít vi trùng, người lớn dùng 2 loại thuốc uống trong 6 tháng gồm: Rifampicin 600mg, uống tháng một lần; Dapsone 100mg uống hàng ngày.

Bệnh nhân nhóm nhiều vi trùng, người lớn dùng 3 loại thuốc trong 12 tháng gồm: Rifampicin 600mg, Chofazimin 300mg, uống tháng một lần; Dapsone 100mg và Chofazimin 50mg uống hàng ngày.

Trẻ em dưới 12 tuổi dùng 1/2 liều của người lớn hoặc dựa vào cân nặng.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được biết thuốc điều trị khỏi bệnh phong nhưng không khỏi tàn tật (nếu bị tần tật), cần phải uống thuốc đều, không ngắt quãng.

Tại Việt Nam, bệnh phong được biết có từ lâu đời. Do hoàn cảnh lịch sử và nhiều khó khăn, trước cách mạng chúng ta chưa xác định chính xác số lượng bệnh nhân phong. Nhưng từ năm 1982, Việt Nam với việc đề ra chương trình “Thanh toán bệnh phong từng vùng” triển khai hoạt động trên cả nước. Đặc biệt, chương trình được triển khai tận các đơn vị xã phường, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, làm cho công tác phòng chống mang tính chất xã hội hóa cao.

Đến năm 2000, tỷ lệ lưu hành cả nước là 0,23/10.000 (trong khi đó vào năm 1985, tỷ lệ lưu hành cả nước là 6,7/10.000) đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới.

Việt Nam đã đạt được các tiêu chuẩn do Tổ chức y tế thế giới về công tác chống phong nhưng số bệnh nhân phong mới hằng năm từ năm 2000 vẫn còn, đặc biệt số lượng bệnh nhân nhiều ở các tỉnh thành như TPHCM, Bình Thuận, Tây Ninh, Kiên Giang, Gia Lai.

Nguyễn Đình

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lam-the-nao-de-ngan-ngua-benh-phong-555079.html