Làm thế nào để Nga có thể đối phó với chiến tranh không gian do Mỹ phát động?

Nga không đủ tiềm lực để có thể cạnh tranh toàn diện với Mỹ trong lĩnh vực không gian, do vậy Nga đã tiến hành phương thức độc đáo, để có thể 'ngang tay' với Mỹ.

Mới đây, Nga đã tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa diệt vệ tinh di động A-235 Nudol phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Trong một thời gian dài, Quân đội Nga đã giữ bí mật hệ thống chống vệ tinh di động "Nudol", khi hệ thống ngày càng hoàn thiện, các thông tin liên quan đã dần xuất hiện.

Hệ thống tên lửa diệt vệ tinh di động A-235 Nudol. Nguồn: people.com.cn.

Hệ thống tên lửa diệt vệ tinh di động A-235 Nudol. Nguồn: people.com.cn.

Dự án được thực hiện bởi Tập đoàn Almaz-Antey. Phía Nga lần đầu tiên đề cập đến thiết kế thử nghiệm của hệ thống chống vệ tinh di động " Nudol" trong báo cáo tóm tắt năm 2011 của Cục thiết kế thuộc Tập đoàn Almaz-Antey. Vào thời điểm đó, báo cáo tuyên bố rằng, dự án đang trong quá trình phát triển phần mềm.

Trong lịch sử, vào những năm 1950, Liên Xô đã nghiên cứu vũ khí chống vệ tinh quy mô lớn. Do những hạn chế của thời đại, Liên Xô chủ yếu phát triển các vũ khí chống vệ tinh thông thường, như hệ thống IS-A – phiên bản cải tiến của hệ thống IS-MU. Tuy nhiên, do lúc sử dụng hệ thống này đã tạo ra nhiều mảnh vỡ trên quỹ đạo không gian, gây ra thiệt hại lớn cho trật tự không gian, cùng với các yếu tố kinh tế và các yếu tố khác, Liên Xô cuối cùng đã ngừng phát triển và triển khai hệ thống chống vệ tinh trên quỹ đạo chung.

Hệ thống S-500 được cho là cũng có khả năng tiêu diệt vệ tinh. Nguồn: people.com.cn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga đã phát triển các vũ khí chống vệ tinh tiên tiến hơn trên cơ sở công nghệ chống vệ tinh của Liên Xô. Nga đã sơ bộ hình thành hệ thống nghiên cứu các vũ khí laser và tên lửa dẫn đường tiêu diệt trực tiếp, hệ thống A-235 là điển hình của các loại vũ khí này. Hệ thống này được trang bị nhiều loại tên lửa nhiên liệu rắn, tốc độ đánh chặn có thể đạt tới hàng chục Mach, có thể phá hủy các thiết bị không gian của đối phương được triển khai ở độ cao hàng trăm km.

Vũ khí laser chống vệ tinh A-60 cũng là một thành viên quan trọng trong kho vũ khí chống vệ tinh của Nga. A-60 được chế tạo trên cơ sở cải tiến máy bay IL-76, có thể thông qua các xung laser công suất cao để phá vỡ hoặc hoặc làm tê liệt các vệ tinh của đối phương. Về mặt lý thuyết, nó có thể tấn công bất kỳ vệ tinh nào hoạt động trên quỹ đạo thấp. Đồng thời, "phương tiện hàng không đặc biệt" do Nga phát triển sẽ được trang bị hệ thống radar dẫn đường có độ chính xác cao, có thể xác định chính xác vị trí của tàu vũ trụ và dẫn đường cho các vũ khí laser tấn công.

Máy bay IL-76 đang được Nga cải tiến thành một hệ thống vũ khí laser diệt vệ tinh. Nguồn: people.com.cn.

Nga tích cực phát triển vũ khí và thiết bị chống vệ tinh, chủ yếu là để đối phó hiệu quả với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay trong không gian. Theo thông tin công khai, tính đến ngày 9/1/2019, Mỹ có 901 vệ tinh để đảm bảo rằng Quân đội Mỹ có lợi thế đặc biệt về thông tin liên lạc, tình báo và nhận thức tình huống. Ngược lại, Nga chỉ có 153 vệ tinh. Đặc biệt, Mỹ còn coi việc duy trì ưu thế của mình trong lĩnh vực vũ trụ là một phần của an ninh quốc gia, theo đuổi chiến lược không gian "phủ đầu" và liên tục tăng đầu tư vào lĩnh vực vũ trụ.

Việc Mỹ thành lập một "lực lượng không gian" độc lập cho thấy họ sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của mình trong việc xây dựng lực lượng tác chiến không gian, và điều này khiến Nga cảm thấy “lo lắng” về một kịch bản chiến tranh không gian trong tương lai. Dù là tiềm lực kinh tế hay quân sự, Nga đều không bằng Mỹ và thậm chí ít có khả năng cạnh tranh toàn diện với Mỹ trong lĩnh vực chiến tranh không gian mới nổi.

Mỹ có khoảng 900 vệ tinh trên quỹ đạo. Nguồn: people.com.cn.

Do đó, Moscow chỉ có thể tìm ra điểm yếu của đối thủ và cạnh tranh trong không gian với Mỹ theo cách "bất đối xứng". Theo quan điểm của Nga, nhóm vệ tinh khổng lồ trên quỹ đạo chắc chắn là “vốn” của quân đội Mỹ để thực hiện các hoạt động tác chiến không gian chung. Dù mang lại nhiều lợi thế cho Mỹ, nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào các vệ tinh cũng cho thấy hệ thống chiến đấu không gian của quân đội Mỹ cũng dễ tổn thương, và điều này chính là một khâu yếu mà phía Nga có thể tấn công.

Trong bối cảnh chi tiêu quân sự eo hẹp, việc phát triển và triển khai các thiết bị vũ khí không gian chú trọng vào vũ khí chống vệ tinh có thể buộc Quân đội Mỹ phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn để bảo vệ hệ thống không gian, từ đó bù đắp ưu thế quân sự của đối thủ trong lĩnh vực vũ trụ với chi phí thấp hơn, đạt được sự cân bằng chiến lược tương đối.

Theo Đức Trí/Infonet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/lam-the-nao-de-nga-co-the-doi-pho-voi-chien-tranh-khong-gian-do-my-phat-dong/20200602093141353