Làm thế nào để loại bỏ thủy ngân khỏi cơ thể nhanh nhất?

Theo nhận định của các chuyên gia, không có cách nào giúp cơ thể tự đào thải thủy ngân nhanh chóng ra ngoài và cũng không có chuyện tự giải độc thủy ngân tại chỗ.

Hơi thủy ngân sẽ tác động tới hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, khiến cho các cơ quan, bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Hơi thủy ngân sẽ tác động tới hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, khiến cho các cơ quan, bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Nhiễm độc thủy ngân nguy hiểm như thế nào?

Khi con người hít phải khí độc bay hơi từ thủy ngân ban đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như run rẩy tay chân, mất ngủ, cơ bắp mệt mỏi, nhức đầu…

Vào đến máu, thủy ngân nguyên tố sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh, hô hấp, tiêu hóa và cả hệ miễn dịch gây ra tình trạng ngộ độc, khó thở, ho, nôn…

Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), hơi thủy ngân sẽ tác động tới hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, khiến cho các cơ quan, bộ phận trên cơ thể người như: phổi, thận, da, mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, những khí độc hại này sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch, hủy hoại nhiễm sắc thể, gây ra các đột biến về hệ thần kinh của bào thai và trẻ em bao gồm: điếc, mất trí nhớ, thay đổi nhân cách, thiếu máu…

Trong khi đó, người bị nhiễm độc thủy ngân cấp tính sẽ bị viêm thận, đạm huyết tăng, có nguy cơ nhiễm axit, giảm clo huyết dẫn tới loét miệng, nôn ra máu, bỏng đường tiêu hóa, thở khó, co giật cơ, mê sảng, chuột rút, nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời sẽ thiệt mạng nhanh chóng chỉ trong khoảng từ 24 đến 36 giờ.

Thậm chí, một số người nhiễm độc quá nặng sẽ bị xuất huyết tiêu hóa, viêm ruột, giảm chức năng vận động, rối loạn thị giác và nguy cơ dẫn tới tình trạng biến đổi gene hay ung thư đặc biệt nguy hiểm.

Rất khó để cơ thể tự đào thải thủy ngân

Trao đổi với VTC News, PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thủy ngân khi vào cơ thể thì rất khó để đào thải, đặc biệt là ở dạng khí lại càng khó.

Thủy ngân là kim loại, nên đặc trưng cũng giống như nhiều kim loại khác, khi vào cơ thể dù ở dạng gì thì khả năng đào thải ra dù có thì cũng rất thấp. Nguy hiểm hơn, nếu bị nhiễm độc trong thời gian dài với sống lượng lớn, thủy ngân sẽ có xu hướng ngấm và tích lũy trong tủy xương, gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe con người.

PGS Côn cũng cho biết, hiện không có phương pháp hay bài thuốc nào có tác dụng đào thải thủy ngân nhanh chóng ra khỏi cơ thể con người. Nếu có, thì cũng chỉ là bổ sung thêm nhằm tăng cường sức khỏe con người giúp hỗ trợ đào thải nhanh thủy ngân hơn mà thôi.

“Thực tế cho thấy, hiện chưa có bài thuốc nào như vậy. Nếu có thì chắc chỉ bổ sung các nhóm chất để hỗ trợ đào thải thủy ngân ra khỏi cơ thể nhanh hơn thôi”, ông Côn nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo Infonet, TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA cho biết khi bị nhiễm độc thủy ngân, cơ thể của bạn cũng có cơ chế tự đào thải chất độc qua nước tiểu và phân. Do vậy, việc sử dụng một số phương pháp đơn giản để tăng lượng đào thải như ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hoặc uống nhiều nước cũng có tác dụng phần nào. Tuy nhiên nếu bị nhiễm độc nặng thì bạn cần được điều trị một cách phù hợp hơn ở các cơ sở Y tế.

Hiện nay để thải độc kim loại nặng nói chung và thủy ngân nói riêng, người ta sử dụng các chất thuộc nhóm có tên là Chelate. Nhóm chất Chelate có tác dụng bám và cô lập các kim loại nặng và chúng sẽ được cùng nhau thải ra ngoài qua nước tiểu. Việc sử dụng phương pháp này phải được thực hiện ở cơ sở y tế và chuyên viên y tế vì có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

Tuy nhiên, hầu hết các thuốc sử dụng để khử độc kim loại thủy ngân trong cơ thể hiện nay không thấy hiệu quả đối với thủy ngân đã tích tụ trong não.

Thủy Tiên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/lam-the-nao-de-loai-bo-thuy-ngan-khoi-co-the-nhanh-nhat-a291960.html