Làm thế nào để khai thác tiềm năng du lịch của các di tích lịch sử cách mạng tại Hà Nội?

Hà Nội tự hào là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổng kiểm kê, phân loại di tích và cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nhất cả nước (5.922 di tích). Nhiều năm gần đây, cùng với việc thu hút một lượng lớn du khách đến Thủ đô, các di tích đã mang lại nguồn thu đáng kể qua hoạt động bán vé, trong đó có những điểm di tích như danh thắng Chùa Hương thu đến hơn 180 tỷ đồng… Tuy nhiên, để các di tích lịch sử cách mạng hấp dẫn khách tham quan cần phải tiến hành nhiều giải pháp.

Thống kê của Ban quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội cho thấy, trên toàn thành phố có 140 di tích cách mạng, kháng chiến. Trong đó, 2 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, 39 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia, 25 di tích được xếp hạng là di tích cấp thành phố và 74 di tích chưa được nghiên cứu xếp hạng.

Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hệ thống di tích cách mạng, kháng chiến trên địa bàn Hà Nội minh chứng cho các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng của nhân dân Thủ đô và phát triển liên tục của các phong trào ấy qua các ý thức hệ. Và, phần lớn các chủ trương, quyết sách có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, quốc gia, Đảng, Nhà nước ta đều ra đời ở Hà Nội.

Thời gian qua, thành phố đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa nói chung, di tích cách mạng kháng chiến nói riêng. Tuy nhiên, việc xếp hạng di tích vẫn còn quá khiêm tốn, mới chỉ đạt gần 50% khi số di tích được kiểm kê và xác định (66/160 di tích) dẫn đến sự lãng quên.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Phủ Chủ tịch – một trong số ít “địa chỉ đỏ” thu hút đông khách tham quan tại Hà Nội.

Việc bảo tồn, tôn tạo các di tích còn có những hạn chế. Như ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm, di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư đầu tiên – đồng chí Trần Phú. Khi bảo tồn, cần chú ý tới tổng thể kiến trúc của ngôi nhà, bảo tồn cảnh quan sân vườn, hàng rào, nội thất. Tuy nhiên, thực tế, chúng ta chỉ bảo tồn căn hầm nơi TBT Trần Phú viết bản thảo “Luận cương cách mạng tư sản dân quyền”.

Các tầng trên không còn di vật nội thất nào và nay là phòng làm việc của Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội. Nhà 48 Hàng Ngang, nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội sống, làm việc (từ 25-8-1945 đến 2-9-1945) vốn là ngôi nhà có hai mặt: Mặt tiền mang số 48 Hàng Ngang, mặt sau mang số 35 Hàng Cân, có sân, bếp, khu phụ.

Tầng 1 là của hàng bán tơ lụa – hiệu Phúc Lợi nổi tiếng Hà Thành. Tầng 2 và 3 có nhiều phòng dùng tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ… Khi ở đây, Bác đi vào cửa số 35 Hàng Cân, không sử dụng cửa 48 Hàng Ngang. Nhưng khi xếp hạng di tích quốc gia, chỉ có nội thất tầng 2 được bảo tồn, phía trước cửa 48 Hàng Ngang không còn biển hiệu Phúc Lợi, phía sau 35 Hàng Cân thành nơi làm việc của Chi cục Thuế Hà Nội. Như vậy, các yếu tố cấu thành nên di tích không còn nguyên trạng.

Theo TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện nay, Hà Nội đang bảo tồn và phát huy giá trị 338/ 860 di tích và điểm di tích trên cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay, nhắc tới di tích và điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, khách tham quan chỉ biết một số điểm chính như Khu di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà số 48 Hàng Ngang, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc, Hà Đông.

Ngoài Khu di tích Phủ Chủ tịch, số lượng khách tham quan các di tích khác còn khiêm tốn, chưa xứng đáng với giá trị di tích. Di tích đã xếp hạng do UBND xã sở tại quản lý đã được quan tâm bảo tồn, tôn tạo nhưng do cơ quan quản lý không có chuyên môn về di tích lịch sử - văn hóa nên chưa thực sự phát huy được giá trị di tích...

Cũng theo TS. Vũ Mạnh Hà, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng tạo sự thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, là sản phẩm văn hóa đặc trưng, nguồn tài nguyên quý cho ngành Du lịch. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích này, đặc biệt là các di tích có khả năng khai thác, thuận lợi trong đón tiếp khách tham quan cần bảo tồn ở mức độ cao là khôi phục,giữ gìn nguyên trạng. Bảo tồn ở mức thấp hơn là hình thức thấp hơn là gắn bia, biển, đặt tượng đài lưu niệm.

Để di tích không “ngủ quên” trong đời sống hiện đại, khai thác tiềm năng du lịch của các di tích, các cơ quan quản lý cần phối hợp với các công ty du lịch xây dựng, triển khai tour du lịch hợp lý, thú vị. Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang đề xuất xây dựng hai tuyến du lịch.

Trong đó, tuyến chuyên về di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp khách tham quan có thể tìm hiểu thêm một số di tích lưu niệm khác, cũng gắn với sự kiện, điểm đến chính nhưng ít được biết tới lâu nay. Tuyến thứ hai kết hợp di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với các di tích, danh thắng khác trên một địa bàn nhỏ như đến thăm nhà lưu niệm ở Vạn Phúc, Hà Đông thì kết hợp thăm làng nghề tơ lụa, vãng cảnh chùa, đình làng, phường cửi…

Ngoài ra, cần lưu ý áp dụng khoa học công nghệ như ứng dụng công nghệ kết nối không dây trong thuyết minh, công nghệ in 3D trong bảo tồn, công nghệ thực tế ảo trong trưng bày…

PGS.TS Phạm Mai Hùng cũng cho rằng, nếu coi các di tích lịch sử, cách mạng là địa chỉ đỏ, là điểm đến thú vị, bất ngờ cho du khách thì phải đổi mới tư duy, hình thức phát huy giá trị di tích. Ban quản lý các di tích cần có cách tiếp cận với công chúng, lắng nghe ý kiến của du khách để điều chỉnh kịp thời các hình thức phát huy giá trị di tích thông qua các dự án, kế hoạch có chủ đích, có tính khả thi và hiệu quả.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/lam-the-nao-de-khai-thac-tiem-nang-du-lich-cua-cac-di-tich-lich-su-cach-mang-tai-ha-noi-525956/