Làm thế nào để hết con nghiện trên cabin?

Ngay dưới mặt đất, người nghiện đáng sợ một thì khi họ bước lên cabin, hậu quả để lại gấp hàng chục lần, nhìn thảm cảnh ở QL5 không ai có thể tưởng tượng nổi. Vấn đề là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính giám sát sức khỏe tài xế? Tại sao những người nghiện như vậy vẫn ung dung được hành nghề lái xe? Chế tài như thế đã đủ răn đe chưa?

Vụ tai nạn chiều 2.1.2019, khi tài xế Phạm Thành Hiếu lái xe container tông vào 25 xe máy dừng đèn đỏ ngay ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) làm chết 4 người và 18 người bị thương chưa nguôi thì đến chiều 21.2, tài xế Lương Văn Tâm gây tai nạn đâm xe vào đoàn người đi viếng nghĩa trang về trên quốc lộ 5 (xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương) làm 8 người chết, 8 người bị thương.

Chỉ vì ma túy, tài xế Lương Văn Tâm đã gây ra một tai nạn thảm khốc.

Điểm chung là 2 tài xế này đều sử dụng ma túy trước khi cầm lái, khiến họ thiếu tỉnh táo, thậm chí ngủ gật khi cầm vô lăng, gây tai nạn nghiêm trọng. Dưới mặt đất, người nghiện đáng sợ một thì khi họ bước lên cabin, hậu quả để lại gấp hàng chục lần, như thảm cảnh ở quốc lộ 5 thì không thể tưởng tượng nổi.

Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho chúng tôi biết một sự thật giật mình. "Theo khảo sát khoảng 6 năm trước thì có hơn 30% tài xế xe container (bằng lái FC) dương tính với ma túy, đây là con số nhức nhối nhưng nhiều năm qua ngành giao thông dường như bất lực. Có người cho rằng lái xe siêu trường siêu trọng đi đường dài, tài xế phải sử dụng ma túy mới đủ sức "cày", có tài xế lên cơn nghiện phóng bạt mạng đến chỗ mua ma túy", Đại tá Trần Sơn nói.

Tài xế Nguyễn Công T. (SN 1990, quê Ninh Thuận) từng bị phát hiện sử dụng ma túy trong đợt càn quét của Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Có thông tin cho rằng không chỉ có tài xế Hiếu, Tâm trong các vụ tai nạn kể trên dương tính với ma túy, rất nhiều lái xe cũng trong tình trạng tương tự. Đại tá Sơn cho rằng đó không phải là việc mới xuất hiện, mà tình trạng tài xế nghiện có từ lâu nay rồi. Ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, kết quả của nhiều cuộc kiểm tra khác nhau cách đây vài năm cho thấy tỉ lệ lên tới 30-40%. Quá quan ngại!

Vấn đề đặt ra là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính giám sát sức khỏe tài xế? Tại sao những người nghiện như vậy vẫn ung dung được hành nghề lái xe? Chế tài như thế đã đủ răn đe chưa?

Nhiều người cho rằng, sau giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện cấp khi thi lấy bằng lái xe, tài xế hầu như không bị kiểm tra đột xuất, phát hiện ma túy là một lỗ hổng lớn. Chưa kể tình trạng “bán khống” giấy khám sức khỏe của nhiều bệnh viện đến nay chưa được chấm dứt triệt để khiến người nghiện cũng có thể có bằng lái xe.

Việc tài xế sử dụng ma túy, làm việc quá thời gian quy định được cho là có phần trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, còn các cơ quan chức năng, quản lý như CSGT, thanh tra giao thông thì vô can. Đây là một lỗ hổng, cần phải sửa luật và đưa vào luật. Đồng thời cũng cần trang bị các dụng cụ test ma túy tại chỗ cho các trạm, chốt CSGT để phát hiện lái xe sử dụng chất cấm này. Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị CSGT, TTGT khi liên tục buông lỏng kiểm tra, tuần tra…, để số vụ tai nạn giao thông tăng, số lượng người chết và bị thương nhiều.

Các chế tài hiện hành như phạt tiền, tước giấy phép lái xe, chấm dứt hợp đồng lao động… vẫn đang được áp dụng nhưng chưa đủ mạnh, chưa hiệu quả, vì tài xế bị cho nghỉ việc nơi này thì họ đến nơi khác hành nghề. Với tình hình tai nạn do lái xe dùng ma túy đang có chiều hướng gia tăng, cần sửa đổi ngay Bộ luật Hình sự để tăng nặng hình phạt đối với tội phạm vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 mới đủ sức răn đe.

Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc chủ phương tiện có phải liên đới trách nhiệm hình sự như lái xe gây tai nạn hay không. Nhưng rõ ràng, nếu biết tài xế nghiện ma túy mà vẫn giao xe, xe quá tải, ép lái xe chạy tốc độ cao, quay vòng nhanh thì các chủ phương tiện không thể vô can. Ngoài người thân trong gia đình thì chủ phương tiện là người gần gũi với lái xe nhất, nếu gắn trách nhiệm cá nhân thì hậu quả sẽ giảm bớt. Sâu xa hơn, vẫn là những biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy trong cộng đồng để lái xe đủ tỉnh táo khi bước lên cabin.

An Thanh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-da-trong/lam-the-nao-de-het-con-nghien-tren-cabin-950494.html