Làm thế nào để giúp bé khỏe mạnh trong mùa hè nóng bức?

Mùa hè là mùa lý tưởng cho vi khuẩn, siêu vi khuẩn phát triển. Vào mùa này, trẻ thường dễ bị các loại vi khuẩn, vi rút tấn công hoặc mắc bệnh do điều kiện thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt. Có một vài lưu ý các mẹ cần ghi nhớ để bé có một mùa hè vui khỏe.

Những bệnh lý trẻ thường dễ mắc phải vào mùa hè chủ yếu đến từ các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi khuẩn hoặc vi rút. Một số bệnh thường gặp đó là:

Tiêu chảy: Nắng nóng khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, hư hỏng, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ thường khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh.

Ngộ độc thức ăn: Cùng nguyên nhân như bệnh tiêu chảy, nguyên nhân khiến trẻ dễ bị ngộ đọc thức ăn là vì thời tiết nắng nóng khiến thức ăn dễ hư hỏng. Nếu trẻ ăn uống không đảm bảo, không chú ý đến an toàn thức phẩm thì rất dễ gây ngộ độc, nhất là ngộ độc ở môi trường học đường.

Nhiễm siêu vi: Nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… Hiện có hơn 200 chủng siêu vi được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 – 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt.

 Nếu trẻ ăn uống không đảm bảo, không chú ý đến an toàn thức phẩm thì rất dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa.

Nếu trẻ ăn uống không đảm bảo, không chú ý đến an toàn thức phẩm thì rất dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa.

Bệnh tay chân miệng: Thời gian gần đây, dịch tay chân miệng thường bùng phát vào mùa hè khiến nhiều phụ huynh lo lắng và hoang mang. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi và khả năng lây lan rất cao. Bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường.

Bệnh thật sự nguy hiểm nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ… Nếu gặp những biểu hiện này phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.

Các bệnh khác: Với thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu. Trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.

Vì vậy, để bảo vệ trẻ trước các loại bệnh vào mùa nắng nóng, cần tạo thói quen cho trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, bổ sung vitamin, chất khoáng... Đồng thời, các mẹ cần tạo môi trường sống trong lành, bảo vệ trẻ khỏi tác nhân gây bệnh. Một số lưu ý cho trẻ vào mùa nóng, đó là:

Cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Điều này sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình. Rửa tay được xem như “liều vắc-xin miễn phí” cho mọi người.

Cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ. Ảnh minh họa.

Phụ huynh cần chú ý việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống; phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo ăn chín, uống sôi, hạn chế các loại thức ăn qua đêm...

Giữ môi trường sống vệ sinh, thông thoáng, trong lành giúp hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Cần thường xuyên phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Phụ huynh cần tạo cho trẻ thói quen ngủ mùng.

Việc bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt.

Phụ huynh cần chủ động tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ với tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất.

N.T (T/H)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/lam-the-nao-de-giup-be-khoe-manh-trong-mua-he-nong-buc-739589.ldo