Làm thế nào để đạt hiệu quả cao?

Số lượng người dùng mạng xã hội (MXH) tại Việt Nam chiếm khoảng 57% dân số. Tỷ lệ trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của MXH tại nước ta. Bên cạnh tác động tích cực, MXH ít nhiều cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Do đó, việc cần thiết phải ban hành Bộ quy tắc (BQT) ứng xử trên MXH đối với nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, BQT này sẽ được xây dựng như thế nào và làm thế nào để nó đi vào cuộc sống một cách hiệu quả là điều cần bàn tới.

Bảo đảm quyền tự do cá nhân, tự do kinh doanh

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hiện cấp giấy phép hoạt động cho 436 MXH. Trong đó, facebook, youtube, zalo, mocha… là những trang có số lượng người sử dụng đông nhất. MXH ngày càng trở thành kênh trao đổi thông tin không thể thiếu đối với một số lượng lớn người dân Việt Nam. Nhiều tỉnh, thành phố đã ứng dụng MXH vào việc cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, như: Đà Nẵng, Đồng Nai, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Thực tế cho thấy, MXH tác động lớn trong việc tạo dựng, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội. Do đó, MXH cũng trở thành không gian dễ bị kẻ xấu lợi dụng, truyền bá những thông tin xấu độc, tin giả, những phát ngôn gây thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, gây chia rẽ dân tộc.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật trong quản lý MXH. Cùng với đó, bộ cũng phối hợp với các nhà cung cấp MXH để xử lý, ngăn chặn nhiều thông tin xấu độc. Đến nay, khoảng 5.000 clip có nội dung xấu độc đã bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhận định: "Mặt trái của MXH luôn tồn tại, không thể loại bỏ được mà chỉ có thể hạn chế nhờ vào thái độ ứng xử của những người sử dụng và các nhà cung cấp dịch vụ MXH".

Trước thực trạng đó, Bộ TT&TT đã giới thiệu dự thảo nhằm xây dựng và triển khai BQT ứng xử trên MXH cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của MXH, nâng cao chuẩn mực đạo đức trong sử dụng MXH tại Việt Nam. Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT): BQT đưa ra 4 quy tắc chung, bao gồm: Tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Ông Vũ cũng khẳng định: “BQT không đi ngược lại với các cam kết của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. BQT cũng không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước”.

Ngoài các quy tắc chung này còn có những quy tắc riêng đối với các đối tượng: Nhà cung cấp dịch vụ MXH; cơ quan Nhà nước sử dụng MXH; tổ chức sử dụng dịch vụ MXH; người dân sử dụng MXH và công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước dùng MXH. Cụ thể như, các nhà cung cấp dịch vụ phải ban hành và công khai những biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ những nội dung thông tin xấu độc… Đặc biệt, không được thu thập thông tin khi người sử dụng dịch vụ chưa cho phép hay không biết bị thu thập thông tin; thu thập thông tin trong các nội dung trò chuyện trực tuyến của người sử dụng. Với cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ MXH, BQT đề xuất các đơn vị này phải đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu và địa chỉ trang MXH. Người đứng đầu cơ quan hoặc người được ủy quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chịu trách nhiệm trước những thông tin được đăng tải trên trang MXH của cơ quan Nhà nước… Đối với tổ chức sử dụng MXH phải công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân có trách nhiệm phát ngôn trên MXH của tổ chức và cá nhân trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên MXH. Trong khi đó, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước cũng như người sử dụng nói chung phải thực hiện ứng xử trên MXH về các vấn đề chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với vai trò, nguyên tắc, quyền hạn của cá nhân và của cơ quan chủ quản. Công khai sự xuất hiện trên MXH bằng cách sử dụng họ tên, hình ảnh thật của cá nhân. Đồng thời, nhóm đối tượng này phải ứng xử trên MXH có văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính.

Mỗi đơn vị cần cụ thể hóa thành bộ quy tắc riêng

Tuy nhiên, để có thể thực thi một cách hiệu quả thì BQT cần được cụ thể hóa, chi tiết nhất có thể. Ông Đỗ Quý Vũ đưa ra ý kiến: BQT không có chế tài xử lý mà là chuẩn mực xã hội, mang tính chất khuyến cáo. Từ BQT ứng xử chung, từng cơ quan, tổ chức cần ban hành ra những quy định phù hợp với đặc thù của đơn vị mình. Cụ thể hóa các điều trong BQT chung thành những BQT riêng với đối tượng cụ thể, đó chính là cách thâm nhập thực tiễn tốt nhất. Muốn làm được điều đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nhận thức được tầm quan trọng của MXH nói chung, có trách nhiệm xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH nói riêng, coi đây là một nội dung trong quản lý hành vi con người, quản trị nhân sự.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Để BQT được tuân thủ, cần tăng sự ràng buộc và tính răn đe. Trong dự thảo BQT chỉ đề cập nếu không tuân thủ các quy định sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, thực tế có một số điều luật pháp chưa điều chỉnh đến như thái độ miệt thị, coi thường hoặc đăng tải những lời lẽ bạo lực, tổn thương người khác… Do vậy, BQT phải quy định rõ ràng các hình thức xử lý cụ thể khi người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ không tuân thủ. PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang dẫn chứng: "Điều 13 của Quy định về việc sử dụng MXH tại Đài Tiếng nói Việt Nam nêu rõ: Các đơn vị, cá nhân nếu vi phạm, tùy theo mức độ, sẽ bị xử lý kỷ luật theo những quy định của Đài Tiếng nói Việt Nam và của pháp luật. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể áp dụng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải”.

Nhiều ý kiến chuyên gia thống nhất, để tăng tính hiệu quả của BQT, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về MXH nói chung và BQT nói riêng là rất cần thiết. Tuy nhiên, thay vì làm một cách dàn trải thì cần tiếp cận tầng lớp người có trình độ nhận thức tốt trong xã hội trước, như: Đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp, từ họ sẽ lan truyền ảnh hưởng sang những người xung quanh. Ngoài ra, do số lượng người sử dụng MXH ngày càng trẻ hóa nên cần xây dựng kế hoạch cụ thể đưa BQT vào nhà trường nhằm giáo dục kỹ năng ứng xử, cách thức sử dụng MXH cho học sinh.

TRÀ MY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-the-nao-de-dat-hieu-qua-cao-558026