Làm thế nào để cứu bạn khỏi nguy cơ bị ung thư?

Hiện nay, các chuyên gia vẫn đang tìm kiếm và phát triển những biện pháp phòng ngừa ung thư tối ưu nhất có thể. Theo đó, ngoài việc thay đổi những thói quen sinh hoạt theo chiều hướng tích cực thì việc xét nghiệm tầm soát ung thư hằng năm cũng là biện pháp cứu bạn khỏi nguy cơ bị ung thư.

Thói quen sinh hoạt ngăn ngừa ung thư hiệu quả

Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chọn mua thực phẩm tươi sống và tự chế biến là cách tốt nhất để đảm bảo bữa ăn của bạn luôn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những trường hợp bạn bắt buộc phải ăn ngoài. Mặc dù lựa chọn những thức ăn dinh dưỡng có sẵn trong siêu thị không phải cách phòng ngừa ung thư tốt, nhưng nó vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Duy trì cân nặng lý tưởng và thường xuyên tập thể dục: Duy trì cân nặng khỏe mạnh có khả năng làm giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm: Ung thư vú; ung thư tuyến tiền liệt; ung thư phổi; ung thư đại tràng và thận...

Không hút thuốc: Để phòng ngừa ung thư, cách tốt nhất là bạn nên tránh xa thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá. Hãy hỏi bác sĩ về những sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá và một số kế hoạch bỏ thuốc lá hiệu quả.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là biện pháp đơn giản nhất để phòng ngừa ung thư da, một trong những loại ung thư phổ biến nhất hiện nay.

Tiêm chủng đầy đủ: Phòng ngừa ung thư bao gồm việc bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh lý do nhiễm virus. Vì vậy, bạn nên trò chuyện với bác sĩ về việc tiêm một số vắc xin như: Viêm gan B; Virus Papilloma (HPV)...

Tránh những hoạt động có nguy cơ gây ung thư: Trong một số trường hợp đặc biệt, nhiễm trùng có nguy cơ dẫn đến ung thư. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng một “chiến thuật” phòng ngừa ung thư hiệu quả khác là tránh các hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến nhiễm trùng, bao gồm:

Quan hệ tình dục an toàn: Hạn chế số lượng bạn tình cũng như sử dụng bao cao su là hai nguyên tắc hàng đầu giúp bạn quan hệ tình dục an toàn. Số lượng bạn tình càng nhiều đồng nghĩa với việc khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như HIV hoặc HPV, ở bạn càng cao. Những người bị HIV hoặc AIDS có nguy cơ mắc bệnh ung thư hậu môn, gan và phổi cao hơn người bình thường. Mặt khác, HPV có mối liên hệ mật thiết với ung thư cổ tử cung. Đồng thời, nó cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn, dương vật, cổ họng và âm đạo.

Tham gia xét nghiệm tầm soát ung thư hằng năm

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tầm soát ung thư hằng năm đã cứu sống biết bao nhiêu người bằng cách phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn có thể điều trị được.

Xét nghiệm tầm soát ung thư là các xét nghiệm tìm kiếm ung thư ở những người khỏe mạnh hoặc những người không có triệu chứng ung thư. Các xét nghiệm tầm soát ung thư được thiết kế để tìm ung thư ở giai đoạn đầu khi có thể điều trị được, theo Medicine.net.

Theo Insider, các hướng dẫn về tầm soát ung thư dưới đây là dành cho những người có nguy cơ bình thường, nghĩa là những người không có tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ liên quan khác đối với ung thư. Cụ thể:

Tầm soát ung thư đại tràng bằng nội soi đại tràng: 90% các trường hợp đại trực tràng được chẩn đoán sau 50 tuổi, vì vậy tầm soát đại trực tràng bắt đầu từ 45 tuổi là chìa khóa để phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư đại trực tràng như polyp quá phát.

Hiện tại, Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo mọi người nên nội soi 10 năm một lần, bắt đầu từ tuổi 45, hoặc thường xuyên hơn nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

Nội soi đại tràng, soi đại tràng sigma và xét nghiệm máu ẩn trong phân có độ nhạy cao đều đã được chứng minh là làm giảm tử vong do ung thư đại trực tràng, theo Medicine.net.

Nội soi đại tràng và nội soi đại trực tràng cũng giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng vì có thể giúp phát hiện các polyp trong đại tràng và loại bỏ trước khi phát triển thành ung thư.

Tầm soát ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp: Thử nghiệm tầm soát ung thư phổi này đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở những người nghiện thuốc lá nặng từ 55 đến 74 tuổi.

Tầm soát ung thư gan bằng xét nghiệm máu alpha-fetoprotein (AFP): Đây là một loại protein có thể được tìm thấy với hàm lượng cao ở người mắc bệnh gan, ung thư gan, người đang mang thai hoặc các bệnh ung thư khác.

Nếu nồng độ AFP rất cao ở một người có khối u gan, đó có thể là dấu hiệu cho thấy đang bị ung thư gan.

Xét nghiệm này đôi khi được sử dụng cùng với siêu âm gan, để phát hiện sớm ung thư gan ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Tầm soát ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh: Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ 40 - 44 tuổi nên bắt đầu xét nghiệm ung thư vú thường xuyên. Điều này sẽ bao gồm chụp quang tuyến vú hằng năm để đảm bảo không có mô vú bất thường.

Chụp X-quang tuyến vú còn được gọi là chụp nhũ ảnh, được sử dụng để kiểm tra các cấu trúc bình thường và bất thường bên trong vú. Do đó, chụp nhũ ảnh có thể giúp xác định u nang, vôi hóa và khối u trong vú. Hiện đây là phương pháp tầm soát hiệu quả nhất để phát hiện sớm ung thư vú, theo Medicine.net.

Khám sức khỏe thường chỉ phát hiện ung thư vú khi khối u đã lớn hơn nhiều, so với những trường hợp được phát hiện bằng chụp nhũ ảnh. Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện khối u ung thư còn nhỏ ở giai đoạn có thể chữa khỏi, tuy nhiên, không phải là tuyệt đối. Phương pháp tầm soát ung thư vú này đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này ở phụ nữ từ 40 đến 74 tuổi, đặc biệt là những người từ 50 tuổi trở lên.

Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap và xét nghiệm virus u nhú HPV: Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên xét nghiệm tế bào cổ tử cung hằng năm để tầm soát ung thư cổ tử cung, theo Insider.

Các xét nghiệm này làm giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung vì giúp các bác sĩ xác định và điều trị các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành ung thư.

Chụp MRI vú: Xét nghiệm hình ảnh này thường được sử dụng cho những phụ nữ mang đột biến có hại trong gen BRCA1 hoặc gen BRCA2- là trường hợp có nguy cơ cao mắc ung thư vú, cũng như các loại ung thư khác, theo Medicine.net.

Mặc dù tầm soát rất quan trọng để phát hiện sớm ung thư, nhưng điều quan trọng không kém là phải có một lối sống lành mạnh để bạn có thể ngăn ngừa ung thư phát triển ngay từ đầu.

An Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-the-nao-de-cuu-ban-khoi-nguy-co-bi-ung-thu-557262.html