Làm thế nào để có kỳ thực tập hiệu quả?

Làm thế nào để hoàn thành tốt kỳ thực tập, học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng trong môi trường mới... là băn khoăn của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa tốt nghiệp, ra trường.

Sinh viên thực tập tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn - Ảnh: Kim Huyền

Bà Nguyễn Hoàng Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên xây dựng kỹ thuật Thành Trung Q.12 (TP.HCM), nơi đang nhận 5 sinh viên thực tập thuộc khối ngành tài chính, kế toán cho biết: “Tôi nghĩ các bạn sinh viên đừng xem nhẹ kỳ thực tập. Đừng vì mối quan hệ, quen biết để vào được nơi thực tập rồi lơ là về sau mà bạn phải thật sự cố gắng, nỗ lực thì mới mong nhận lại kết quả tốt”.

Cũng theo bà Hoàng Oanh, sinh viên hiện nay có xu thế ỉ lại vào mối quan hệ từ cha mẹ, người thân, từ đó trở nên quá đề cao bản thân mình. “Khi đi thực tập ngày đầu tiên các bạn nên vào sớm hơn lịch làm việc tại một cơ quan, đơn vị nào đó. Và chào hỏi, lễ phép là điều cần thiết. Bên cạnh đó, bạn nên cầu thị và thiện chí với mọi người xung quanh kể cả bảo vệ hay lao công của cơ quan đó, vì qua đó cấp trên sẽ đánh giá tốt về bạn”, bà Hoàng Oanh chia sẻ.

Sinh viên học ngành báo chí thực tập - Ảnh: Kim Huyền

Thực tập nhằm mục đích giúp chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn, cho nên ngoài chuẩn bị tâm thế thật tốt, các bạn cần sẵn sàng tiếp thu kiến thức bằng sự cầu thị nhất có thể. “Tùy theo công ty mà bạn có nhận hoặc không được nhận mức lương hỗ trợ trong quá trình thực tập. Và mức lương hỗ trợ thực tập nếu có thì cao hay thấp không quan trọng bằng kiến thức chúng ta học hỏi được, cho nên các em đừng quá bận tâm về vấn đề này...”, bà Hoàng Oanh nói thêm.

Ngoài ra, yếu tố năng động, chủ động với công việc luôn được đề cao trong quá trình thực tập.

Ông Trần Công Dương, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương (TP.HCM), cho biết: “Các bạn thực tập ở công ty thì tôi yêu cầu phải năng động, sáng tạo và không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ anh chị đi trước qua sự chủ động bắt chuyện, chủ động xin liên hệ, chủ động xin theo học hỏi”.

Cũng theo ông Dương, trang phục thực tập của sinh viên phải nghiêm túc và phù hợp với cơ quan, đơn vị đó.

Theo ông Đỗ Văn Sự, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trong thực tế vẫn có tình trạng sinh viên khi đi thực tập có tính ù lì. “Nguyên nhân dẫn đến thực trạng sinh viên ù lì, lười vận động trong kỳ thực tập là do các bạn sợ sai, thiếu tự tin trong giao tiếp”.

Để khắc phục tình trạng này, ông Sự khuyên: “Trong quá trình thực tập, sinh viên cần trau dồi về các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, nói trước công chúng, kỹ năng thuyết trình... Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm cũng rất quan trọng trong kỳ thực tập, bởi đa số công ty hiện nay đều phân chia công việc theo nhóm, đặc biệt là công ty truyền thông. Kỹ năng làm việc nhóm rất phổ biến cho nên chúng ta cần phải học hỏi. Chúng ta có thể sẽ phải làm việc với người mình không thích trước đó nhưng phải kiềm chế cái tôi của mình trong quá trình làm việc chung”.

Kim Huyền

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/lam-the-nao-de-co-ky-thuc-tap-hieu-qua-956616.html