Làm thật tốt vai trò đại diện

Các cấp Công đoàn cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ làm mục tiêu hoạt động

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự và chỉ đạo hội nghị có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đời sống công nhân còn khó khăn

Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết đi cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ CNVC-LĐ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp trực tiếp, quan trọng vào những thành tựu phát triển của đất nước. Giai đoạn 5 năm tới, đất nước sẽ hội nhập quốc tế sâu hơn, rộng hơn, phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có các tiêu chuẩn quốc tế về lao động.

Theo người đứng đầu tổ chức Công đoàn (CĐ), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là việc làm, đời sống, an sinh xã hội của các tầng lớp nhân dân, nhất là người lao động (NLĐ). Bối cảnh này cũng đặt ra những vấn đề mới trong tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân (CN), lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Nhà nước cần quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, đặc biệt công nhân kỹ thuật bậc cao Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhà nước cần quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, đặc biệt công nhân kỹ thuật bậc cao Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam - nhấn mạnh sau hơn 30 năm đổi mới, giai cấp CN Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dù vậy, ông Dũng lưu ý tiền lương thấp vẫn là bức xúc nhất của CN trong những năm tới. Để nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, CN vẫn phải làm việc vất vả, thời gian kéo dài, hy sinh việc chăm sóc con cái, nghỉ ngơi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trước mắt và lâu dài. Họ cũng sẽ rơi ngay vào tình cảnh "nghèo khó, túng quẫn" khi gặp những cú sốc dù nhỏ, hoặc nghỉ làm việc ít ngày và ngay cả khi không làm thêm giờ. Đặc biệt, những gia đình CN đang nuôi con hoặc phụng dưỡng cha mẹ… thì phải sống rất kham khổ, phải sử dụng các sản phẩm - dịch vụ rẻ tiền, kém an toàn… nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Vì thế, CN sẽ không có điều kiện để vui chơi, giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần. Chính sách sử dụng lao động thiếu bền vững của nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ dẫn đến việc số lao động thất nghiệp tăng cao.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp CĐ cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ làm mục tiêu hoạt động. "Song song đó, cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của CĐ tại các DN theo hướng sát đoàn viên, sát cơ sở chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích của đoàn viên - lao động" - ông Đặng Ngọc Tùng góp ý.

Xây dựng đội ngũ công nhân giỏi nghề

Tham luận tại hội nghị, ông Trần Quang Huy - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam - nhấn mạnh việc làm bền vững là tổng hợp khát vọng của con người đối với quá trình lao động, làm việc. Hiện nay, thị trường lao động của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, CN kỹ thuật bậc cao. Đặc biệt, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp (trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp) và kỷ luật lao động kém.

Để giải quyết vấn đề lao động - việc làm trong thời gian tới, ông Huy cho rằng cần thay đổi cơ bản trong nhận thức việc làm phù hợp với thời kỳ đổi mới, chuyển đổi cơ cấu lao động sang lao động đã qua đào tạo phù hợp; chuyển đổi cơ cấu lao động trong các DN, trong cơ quan nhà nước, trong khu vực DN nhà nước sang DN tư nhân. Cùng với đó hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng khung chính sách việc làm, bảo đảm hành lang pháp lý liên quan đến chính sách lao động việc làm, nhằm tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn để NLĐ tiếp cận. Cải cách chính sách tiền lương, tạo cơ hội việc làm năng suất cao, mang lại thu nhập xứng đáng, bảo đảm ổn định, an toàn nơi làm việc và gắn với an sinh xã hội cho NLĐ và gia đình họ. Có những chính sách tác động đến việc kiểm soát thị trường lao động, nhằm hạn chế thất nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm, tiếp cận với nguồn vốn vay tạo việc làm.

Đi kèm với các chính sách nêu trên, ông Huy cho rằng cần quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, đặc biệt CN kỹ thuật bậc cao nhằm đáp ứng với với nhu cầu việc làm trong tình hình mới và đáp ứng xu thế nhân lực toàn cầu hóa.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng chính sách lao động - việc làm phải được điều chỉnh theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. "Nhà nước cần quan tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn sâu; đồng thời có chính sách hỗ trợ để từng bước chuyển dịch việc làm cho lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, hướng đến việc làm bền vững" - ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Trương Thị Mai cho rằng các vấn đề về giai cấp CN phải phù hợp với cương lĩnh, quan điểm của Đảng về giai cấp CN nhưng phải có kế thừa, đổi mới. "Trong thời gian tới tổ chức CĐ cần làm tốt vai trò đại diện, bởi nếu làm tốt, CĐ sẽ là lựa chọn đầu tiên của NLĐ, từ đó phát triển tổ chức CĐ, kết nạp đoàn viên mới. CĐ phải là cầu nối quan trọng của Đảng với NLĐ để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới NLĐ và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của NLĐ tới Đảng, Nhà nước" - bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Giữ vững bản chất công nhân của Đảng

LĐLĐ TP HCM chiều 4-11 đã tổ chức hội nghị thông tin kết quả Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI và lấy ý kiến góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Góp ý cho văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng, khoa học, thể hiện sự gần gũi, phản ánh tình hình thực tế, tầm nhìn, khát vọng chung của cả dân tộc, trong đó có tổ chức CĐ, CNVC-LĐ, mở ra tương lai cho đất nước. Nhiều ý kiến đã tập trung góp ý vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức CĐ trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh có thêm tổ chức đại diện NLĐ tại DN. Về vai trò của CĐ trong xây dựng Đảng, nhiều ý kiến đề xuất cần quan tâm bồi dưỡng, phát triển Đảng trong đội ngũ CN, nhất là CN kỹ thuật cao để tiếp tục giữ vững bản chất giai cấp của Đảng.

N.Hà

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lam-that-tot-vai-tro-dai-dien-2020110420464831.htm