Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Séc

Nhận lời mời của Thủ tướng CH Séc Andrej Babis (A.Ba-bít), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm chính thức CH Séc. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Séc, tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Nhận lời mời của Thủ tướng CH Séc Andrej Babis (A.Ba-bít), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm chính thức CH Séc. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Séc, tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Séc là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định ở Đông Âu. Từ năm 1990, Séc tập trung mở cửa, tư nhân hóa và cơ cấu lại nền kinh tế. Việc Séc gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) tháng 5-2004 đã tạo thuận lợi thu hút đầu tư và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. GDP tăng trưởng 3,5 đến 4%/năm, thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn FDI/năm. Giai đoạn 2005-2007, GDP tăng trưởng trung bình 6%/năm. Giai đoạn 2008 - 2013, Séc bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và từ năm 2013 đến nay kinh tế phục hồi mạnh nhờ xuất khẩu. GDP năm 2018 tăng trưởng 2,8%. Trọng tâm chính sách đối ngoại của Séc hiện nay là tăng cường hội nhập EU, chú trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng... Tại châu Á, Séc ưu tiên quan hệ với các nước bạn bè truyền thống. Là thành viên của EU, Séc luôn coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của nước này sang thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN).

Trải qua gần 70 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (trước đây), nay là CH Séc không ngừng được củng cố và phát triển. Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên mà nổi bật gần đây là các chuyến thăm Séc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tháng 4-2017 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Milos Zeman (M.Dê-man) tháng 6-2017. Nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao sự ủng hộ nhiệt tình, sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Tiệp Khắc (trước đây) cũng như của Séc ngày nay trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam. Séc thường xuyên tham gia các hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là nước Đông Âu đầu tiên liên tục cấp ODA cho nước ta, tới nay khoảng 18 triệu USD. Hai nước luôn phối hợp hành động và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn quốc tế.

Chúng ta vui mừng nhận thấy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tốt đẹp, tuy vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Năm 2012, Séc công bố Chiến lược xuất khẩu quốc gia 2012-2020, trong đó đưa Việt Nam (nước duy nhất trong ASEAN) vào danh sách 12 thị trường ưu tiên. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Séc đạt 307 triệu USD năm 2018, tăng gần 20% so với năm 2017. Tính đến nay, Séc có 38 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 90 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng...

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Séc trong các lĩnh vực khác cũng phát triển khả quan. Từ năm 1999 đến 2014, Chính phủ Séc đã cấp nhiều học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của nước ta sang Séc học tập. Hai bên đang đàm phán ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục cho giai đoạn mới. Hiện nay, Séc đã trở thành quê hương thứ hai của hàng vạn công dân Việt Nam với hơn 65 nghìn người Việt đang sinh sống tại Séc. Từ tháng 7-2013, Chính phủ Séc quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc. Cộng đồng người Việt Nam tại Séc đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ hai nước, được Chính phủ Séc đánh giá cao và tạo thuận lợi trong làm ăn, sinh sống và hòa nhập.

Chuyến thăm chính thức CH Séc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Séc; tạo động lực mạnh mẽ đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới, hiệu quả, bền vững, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên. Chuyến thăm còn góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu thị trường, tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của nhau.

NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/xa-luan/item/39876702-lam-sau-sac-hon-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-va-hop-tac-nhieu-mat-viet-nam-sec.html