Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Italy Giuseppe Conte bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5 đến 6-6. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang rất tốt đẹp, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Giuseppe Conte nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy.

Italy là quốc gia có lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử La Mã cổ đại. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Italy hiện là nền kinh tế đứng thứ 9 trên thế giới, đa dạng với nhiều ngành công nghiệp. Dù đang trên đà phục hồi sau một thời gian dài chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu năm 2008, kinh tế Italy vẫn tăng trưởng chậm. Do vậy, bên cạnh việc gắn với chính sách kinh tế chung của Liên minh châu Âu (EU), Italy đang đẩy mạnh ngoại thương với các nền kinh tế châu Á, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia... và các nước ASEAN, trong đó ưu tiên thúc đẩy thương mại với Việt Nam.

Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-3-1973. Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU trên các diễn đàn quốc tế lớn, cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Ngày 21-1-2013, Việt Nam và Italy ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Italy cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao trong nhiều năm qua. Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á. Hai bên phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và đa phương, như: Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU, IPU...

Hai bên đã xây dựng được nhiều cơ chế phối hợp, như: Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế. Thông qua cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Italy bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam, khẳng định sẵn sàng hợp tác nghiên cứu chế tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tàu quân sự và dân sự, hợp tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp thông qua việc ký kết các hiệp định dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án…

Về kinh tế, Italy đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khối ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng đều trong những năm qua. Đầu tư trực tiếp của Italy vào Việt Nam đạt 388 triệu USD với nhiều tập đoàn hoạt động hiệu quả, như: Piaggio, Bonfiglioli, Ariston, ENI…

Vào những năm 1980, Italy bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, gồm: Cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế, hỗ trợ thể chế... Hiện nay, Chính phủ Italy hỗ trợ Việt Nam trong 11 dự án đang triển khai và 6 dự án khác trong giai đoạn chuẩn bị, với tổng số vốn cam kết hơn 100 triệu euro. Các lĩnh vực chủ yếu mà Italy hỗ trợ Việt Nam bao gồm: Quản lý nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế. Một số dự án đã được Italy cam kết tài trợ, gồm: Dự án nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, dự án “Hỗ trợ tạo việc làm và hòa nhập xã hội tại các trường dạy nghề Việt Nam”...

Bên cạnh đó, hai bên cũng thúc đẩy hợp tác địa phương, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học-công nghệ. Trong bối cảnh mối quan hệ chính trị tốt đẹp cùng chính sách thu hút du lịch của Việt Nam những năm qua, Việt Nam đang nổi lên là một trong những địa điểm du lịch chính tại châu Á, thu hút du khách Italy và Italy cũng luôn là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi tham quan châu Âu.

Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Giuseppe Conte lần này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy trên các lĩnh vực, như: Chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và du lịch…

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/lam-sau-sac-hon-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-italy-575826