Làm sao xử lý công chức khai tài sản không trung thực?

Chừng nào việc kê khai tài sản không còn là thông tin mật, thông tin nội bộ thì việc xử lý công chức kê khai không trung thực mới thực hiện được.

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 quy định, với những tài sản có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên thì những cán bộ nằm trong diện phải kê khai trung thực, nếu giấu diếm sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.

Qua trao đổi, các ý kiến đều hoan nghênh quy định mới của Luật Phòng chống tham nhũng 2018, đồng thời khẳng định, luật chỉ được thực thi khi việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức không còn bị coi là thông tin mật, thông tin nội bộ như thời gian qua nữa.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính, một thời gian dài theo quy định của Việt Nam, các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được lưu lại ở bộ phận tổ chức, quản lý, mang tính nội bộ, khi cần thiết mới mở ra xem.

Thế nhưng, bây giờ muốn thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng thì không có cách nào khác phải minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Nếu kê khai tài sản không trung thực, cán bộ có thể bị xử lý kỷ luật bằng cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...

Nếu kê khai tài sản không trung thực, cán bộ có thể bị xử lý kỷ luật bằng cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...

"Ở các nước quy định rất rõ vấn đề này. Ví dụ, cán bộ, lãnh đạo đi công tác nước ngoài, có tặng phẩm trị giá nhất định thì khi về phải nộp lại, nếu cán bộ, lãnh đạo đó bị phát hiện không nộp lại tăng phẩm thì sẽ bị xử lý theo luật.

Ở Mỹ, tổng thống phải khai có mấy nhà, ở đâu; Thủ tướng Thụy Điển đi công tác dân cũng có thể biết vé máy bay bao nhiêu, mời cơm lãnh đạo nào, uống rượu gì...

Việt Nam liệu có dám công khai hay không? Điều đó rất khó. Cơ chế tiền lương của chúng ta hiện nay còn bao cấp nhiều, nhiều khi danh chính ngôn thuận trong sổ lương là một nhẽ, đồng lương bị kêu không đủ sống, nhưng thực tế lại khác, đây là một hạn chế", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhận xét.

Chính vì thế, vị chuyên gia cho rằng cơ chế quản lý công cần phải chặt chẽ và nâng cao. Chẳng hạn, lương bộ trưởng 20 triệu/tháng thì phải quản lý theo kiểu xài gì trừ đấy, kể cả đi làm hàng ngày, phí sinh hoạt, không thể cái gì cũng lấy tiền công ra.

"Nếu không thực hiện công khai thì dù luật có nhưng chỉ mang tính hình thức", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho biết, việc kê khai tài sản lâu nay giống như kê khai lý lịch - kê khai xong để trong hồ sơ, đến khi bị kỷ luật hay xảy ra sự việc gì mới mở ra xem.

Vì thế, để thực hiện được Luật Phòng chống tham nhũng 2018, ông Nguyễn Túc đề nghị phải công khai các bản kê khai tài sản trên mạng cho dân biết và giám sát.

"Nếu cán bộ, công chức kê khai xong rồi để trong tủ làm sao biết họ kê khai đúng hay không. Thực tế, những năm qua, đa phần những cán bộ bị kỷ luật đều do nhân dân phát hiện ra.

Do đó, phải công khai ở mức độ khác nhau các bản kê khai tài sản. Không thể và rất khó đòi hỏi tất cả công chức phải kê khai hết nhưng những người chủ chốt, đứng đầu các cấp phải công khai tài sản kê khai.

Cần một cơ chế để nhân dân giám sát, rõ ràng công khai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu. Người dân thấy ở trên làm mạnh thì mới tham gia đóng góp được với các cấp quản lý", ông Nguyễn Túc nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-sao-xu-ly-cong-chuc-khai-tai-san-khong-trung-thuc-3382984/