Làm sao tránh được 'con voi chui qua lỗ kim'?

Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, song đến nay vẫn không thể giải quyết được các bất cập như xây nhà không phép, trái phép; quản lý chung cư và Quỹ quản lý chung cư tại khu chung cư mới khiến khiếu kiện liên miên. Vậy việc tiến hành sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng có giải quyết được những bất cập trên?

Tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/9, đọc Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày nêu rõ mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Cụ thể, nhóm chính sách thứ nhất của cải cách là đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng; Nhóm chính sách thứ hai là bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực xây dựng...

Nhóm chính sách thứ ba là hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: quản lý đầu tư xây dựng theo nguồn vốn sử dụng; đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quy định về cấp giấy phép đối với công trình quảng cáo...

Thảo luận về dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn khi báo cáo của Bộ Xây dựng đánh giá là tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua có xu hướng giảm, trong khi vừa qua có nhiều vụ việc sai phạm lớn được công bố, có một số vụ khởi tố rồi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhận định có những công trình xây dựng sai phép, không phép nhưng đến khi phát hiện thì chỉ khởi tố doanh nghiệp.

“Vậy sai phạm này có bao nhiêu người tiếp tay vào, phải đánh giá rõ vi phạm của các chủ thể từ đó chấn chỉnh quản lý nhà nước”?- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu vấn đề. Thậm chí, một số thành viên Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi, điều quan trọng sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng này có giải quyết được vấn đề chấn chỉnh lại hoạt động của thanh tra chuyên ngành xây dựng không, khi vừa rồi có vụ việc tai tiếng liên quan đến thanh tra của Bộ.

Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một số đại biểu cho rằng, điều quan trọng khi tiến hành sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng lần này bên cạnh tạo ra môi trường minh bạch liên quan đến công tác quản lý nhà nước về xây dựng, điều quan trọng phải bịt được hai khe hở lớn quản lý yếu kém về xây dựng khiến “con voi chui qua lỗ kim” như một số dự án xây dựng thời gian qua; đồng thời phải tiến hành thiết lập được Ban quản trị quản lý Quỹ bảo trì ở các khu chung cư cũng như việc một số chủ đầu tư “ăn bớt” diện tích của người mua…

H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lam-sao-tranh-duoc-con-voi-chui-qua-lo-kim-96591.html