Làm sao ngưng đốt hơn 500 tấn than mỗi ngày, giảm ô nhiễm cho Hà Nội?

Mỗi ngày người dân thủ đô tiêu thụ hơn 500 tấn than. Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn.

Khách nước ngoài: 'Hít thở không khí Hà Nội như hút thuốc lá vậy' Chất lượng không khí ở thủ đô suy giảm đến mức báo động, du khách nước ngoài đến đây thường bị khó thở, dị ứng, thậm chí còn so sánh độ độc hại của không khí với khói thuốc lá.

Đầu tháng 11, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thành phố hướng đến loại bỏ hoàn toàn than tổ ong trước năm 2021.

Tuy nhiên, đối với bà Minh Khuê (phố Lò Đúc) và hàng chục nghìn hộ dân khác ở Hà Nội đang sử dụng bếp than tổ ong, việc thích nghi vẫn đang gặp nhiều trở ngại.

3.000 đồng 1 viên than, đun được 4 tiếng

Bà Minh Khuê cho hay gia đình dùng bếp than tổ ong từ lâu và chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại. Bà nói đun nấu bằng than tổ ong vừa tiết kiệm, lại tiện lợi dù bà biết nó gây ô nhiễm.

"Cả công vận chuyển, 1 viên than tổ ong chỉ có giá 3.000 đồng, đun được mấy tiếng, đủ nấu nướng cho cả nhà. Nếu chuyển sang dùng gas sẽ tốn hơn nhiều. Đốt than khói và bụi, nhưng tôi vẫn chịu được", bà Khuê nói.

Theo bà, nhiều gia đình vẫn có thói quen sử dụng than tổ ong và đã trở thành nếp sống, đôi khi còn đùa nhau nấu đồ bằng than tổ ong cảm giác ngon hơn nấu bằng bếp gas, bếp điện.

 Vẫn còn khoảng 37.000 bếp than tổ ong đang tồn tại ở Hà Nội. Ảnh: Duy Hiệu.

Vẫn còn khoảng 37.000 bếp than tổ ong đang tồn tại ở Hà Nội. Ảnh: Duy Hiệu.

Anh Hoàng Long, chủ tiệm phở trên đường Giải Phóng, cho hay gia đình anh đã chuyển từ bếp than tổ ong sang bếp điện từ lâu. Bếp điện tiện, sạch hơn nhiều bếp than, nhưng chi phí tăng cao.

"Ngày trước đun bếp than, thời gian nhóm bếp, chờ nước sôi rất lâu, giờ dùng bếp điện thì sạch sẽ, nhanh hơn hẳn. Dùng điện thì chi phí cao hơn, nhưng bây giờ quay lại dùng than chắc tôi không chịu được", anh Long cười.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), than tổ ong vẫn được người dân sử dụng chủ yếu do chi phí rẻ.

"Việc sử dụng than tổ ong rõ ràng vẫn là dựa trên bài toán kinh tế, nhất là đối với các hộ kinh doanh, tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với dùng điện hay gas. Bên cạnh đó, nó cũng do nếp sống, văn hóa, nhiều người vẫn chưa quen việc dùng bếp gas", ông nói.

Theo giáo sư, tác hại của khí thải do sử dụng than tổ ong thì ai cũng rõ, nhưng chưa có đơn vị khoa học nào tính toán cụ thể, đánh giá tác động lên môi trường, sức khỏe con người một cách chi tiết. Ngoài khí thải như CO2 gây hiệu ứng nhà kính, còn có CO, SO2 và bụi mịn PM2.5.

"Bắc Kinh (Trung Quốc) từng đối mặt với vấn nạn ô nhiễm do sử dụng than trong sinh hoạt, vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều. Họ cũng có các nghiên cứu cụ thể về tác động của nó, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nhất là trẻ em", ông Cơ cho hay.

Người Hà Nội đốt 528 tấn than mỗi ngày

Hà Nội xác định cụ thể lộ trình, quy định về chế tài xử lý, chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo để đảm bảo đến 31/12/2020, thành phố không còn sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt.

Tuy nhiên, việc cắt giảm sử dụng than tổ ong gặp nhiều khó khăn. Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, mỗi ngày người dân thủ đô tiêu thụ 528 tấn than, góp phần thải vào bầu không khí của 8 triệu người Hà Nội 1.872 tấn khí CO2.

Cũng theo lãnh đạo chi cục, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ môi trường tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác hại của bếp than tổ ong đối với môi trường và sức khỏe. Kết quả cho thấy quá trình tiêu thụ than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi, trong đó có bụi mịn PM2.5 và khí thải khác như CO2, CO, SO2, PAHs...

Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân.

Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa.

Hai tháng gần đây, Hà Nội ít khi có ngày trời trong xanh do ô nhiễm không khí. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, từ khi bắt đầu tuyên truyền cắt giảm sử dụng than tổ ong, Hà Nội xóa bỏ được 17.600 bếp than tổ ong (chiếm 32%) trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng thêm chính sách để hỗ trợ các đơn vị sản xuất cũng như người cung cấp than tổ ong để người sản xuất chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ để sản xuất bếp cải tiến phù hợp với người tiêu dùng.

"Trước mắt, chúng tôi vẫn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ sử dụng than tổ ong sang các nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Sau ngày 1/1/2021, thành phố sẽ chế tài đối với hành vi cố tình vi phạm", đại diện chi cục cho hay.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho hay thành phố đã đạt được nhiều thành quả trong cắt giảm lượng bếp than tổ ong sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, nhưng vẫn còn chặng đường dài phía trước. Lượng than sử dụng giảm, nhưng phương tiện cá nhân tăng cao, chất lượng không khí vẫn giảm đều và ngày càng nghiêm trọng.

Ông đề xuất Hà Nội nên tiến hành việc loại bỏ bếp than càng sớm càng tốt bởi giá trị kinh tế mà than tổ ong đem lại không thể so được với những thiệt hại về sức khỏe mà người dân thủ đô đang hứng chịu trước vấn nạn ô nhiễm không khí.

Chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM 3 ngày tới thế nào Tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội và TP.HCM đã cải thiện hơn so với những ngày trước đó. Theo dự báo, đến ngày 18/12, chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện do có mưa.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lam-sao-ngung-dot-hon-500-tan-than-moi-ngay-giam-o-nhiem-cho-ha-noi-post1025560.html