Làm sao ngăn chặn sử dụng chất kích thích tại lễ hội âm nhạc?

Quản lý chất kích thích như rượu, bia, ma túy, chất thức thần... tại các lễ hội âm nhạc là vấn đề khiến không ít quốc gia đau đầu.

Ở phương Tây, thói quen sử dụng rượu nặng, cần sa, thuốc lắc, cocaine... vì mục đích giải trí phổ biến như việc các quý ông ở Việt Nam rủ nhau nhậu nhẹt, say sưa sau giờ làm vậy. Đến mức truyền thông cũng như hành pháp của họ phải cay đắng thừa nhận ma túy trái phép xuất hiện tại các lễ hội âm nhạc đã trở nên quá đỗi bình thường, thậm chí việc đó giống như một “nét văn hóa” mỗi mùa festival.

Dùng chó nghiệp vụ

Nói như vậy không đồng nghĩa với "bó tay". Khá nhiều giải pháp với các mức độ khắt khe khác nhau đã được đề xuất nhằm cố gắng giải quyết rốt ráo tình trạng này.

Burning Man là một trong số ít các lễ hội âm nhạc ở Mỹ cung cấp nơi nghỉ ngơi cho khán giả cảm thấy không ổn sau khi sử dụng chất kích thích. Ảnh: Andy Pischalnikoff .

Burning Man là một trong số ít các lễ hội âm nhạc ở Mỹ cung cấp nơi nghỉ ngơi cho khán giả cảm thấy không ổn sau khi sử dụng chất kích thích. Ảnh: Andy Pischalnikoff .

Ở New York, Mỹ, kể từ năm 2014, ban tổ chức Electric Zoo Festival (diễn ra tại khu Manhattan) bắt đầu sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm soát ma túy, đồng thời luôn phát tờ rơi có nội dung khuyến cáo về tác hại của chất kích thích đối với người dùng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Thái độ khá gay gắt và quyết tâm “nghỉ chơi” với chất kích thích tại hầu hết festival âm nhạc ở Mỹ bắt nguồn từ đạo luật Chống phổ biến thuốc bất hợp pháp (thường được gọi là đạo luật RAVE), ban hành năm 2003, do Joe Biden (cựu Phó tổng thống Mỹ) đề xuất.

Theo đó, ban tổ chức sự kiện hoàn toàn có thể chịu án phạt rất nặng nếu khán giả tham gia sử dụng ma túy trái phép hoặc cổ súy cho việc này. Một số nơi thậm chí còn cấm mang giỏ xách, balô, bao thuốc lá đã bóc tem, thuốc chưa kê đơn...

Chính quyền Australia cũng cứng rắn tương tự sau hàng loạt các vụ tử vong vì sốc thuốc khi đang tham gia lễ hội âm nhạc trong khoảng vài năm trở lại đây. Tuy vậy, các biện pháp giảm thiểu thương vong (harm reduction), chứ không phải ngăn cấm, mới được cho là hợp lý nhất để giải quyết tình trạng nêu trên.

Phòng thí nghiệm mini

Tiếp cận vấn đề với tư duy “không chơi ở đây thì họ cũng xài chỗ khác” nên các cá nhân, tổ chức ở Australia cho rằng cần hành động để người sử dụng chất kích thích hiểu rõ về bản chất của chúng, qua đó hạn chế hậu quả mà rượu, bia, ma túy… có thể gây ra.

Như hệ thống “buồng kiểm tra”, bản chất là các phòng thí nghiệm mini trong khuôn viên lễ hội âm nhạc, khuyến khích khán giả tự giác giao nộp chất cấm.

Ngoài ra, họ còn tổ chức phân tích thành phần hóa học miễn phí để người tham gia tự nhận thấy chất kích thích mà họ sử dụng có nguyên chất không hay đã bị pha tạp, chúng mạnh như thế nào và sẽ để lại tác hại gì cho cơ thể…

Một bộ dụng cụ phân tích hóa học mini như thế này có thể giúp người sử dụng nhận biết được thành phần của các loại chất kích thích. Ảnh: Dan Roxane .

Burning Man Festival ở bang Nevada, Mỹ, chuẩn bị nhiều nơi nghỉ ngơi phòng trường hợp khán giả quá mệt hoặc bắt đầu có cảm giác sốc thuốc. Họ sẽ được yên tĩnh nghỉ ngơi thay vì phải loay hoay giữa một biển người đang điên cuồng nhún nhảy, la hét và sức ép âm thanh khủng lồ.

Các nhóm phi lợi nhuận như The Bunk Police, Zendo, DanceSafe… liên kết với ban tổ chức lễ hội âm nhạc, sau đó tiến hành tuyên truyền, phân phát bộ kiểm tra chất kích thích mini, đồng thời theo dõi để hỗ trợ những ai có dấu hiệu “không ổn”.

Tất nhiên, nhà chức trách ở một số nước, trong đó có Mỹ và Australia, không thích cách tiếp cận này vì chúng có vẻ như đang cổ súy việc sử dụng ma túy tại các lễ hội âm nhạc. Đó là lý do tại sao biện pháp giảm thiểu thương vong khó phổ biến ở các nước này. Trong khi đó, vài quốc gia châu Âu mà điển hình nhất là Bồ Đào Nha, đã phi hình sự hóa ma túy kể từ năm 2001.

Lễ hội âm nhạc Boom diễn ra tại Idanha-a-Nova, Bồ Đào Nha, một trong số ít các quốc gia phi hình sự hóa người sử dụng chất kích thích. Ảnh: Mushroom Magazine .

Cụ thể, người sử dụng ma túy vẫn bị coi là bất hợp pháp nhưng thay vì tống tất cả vào tù như trước đây, chính quyền Bồ Đào Nha chủ yếu thực hiện các biện pháp giáo dục, hỗ trợ cai nghiện…

Người sử dụng ma túy bị yêu cầu lao động công ích, phạt tiền, cấm hành nghề hoặc cấm xuất cảnh, đến quán bar, vũ trường, tước quyền sở hữu vũ khí… Kết quả việc này là giảm đáng kể tỉ lệ người tử vong vì sốc thuốc, nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.

Để những sự việc thương tâm như 7 bạn trẻ tử vong và 5 người khác hôn mê vì sốc thuốc khi tham gia lễ hội âm nhạc điện tử "Du hành tới mặt trăng" không còn xảy ra trong tương lai, cơ quan chức năng và cả những nhà tổ chức cần rút ra kinh nghiệm quản lý khi các lễ hội âm nhạc đang được tổ chức ngày càng nhiều và giới “dân chơi” khẳng định “không có cái festival nào là ‘sạch’ hoàn toàn”.

Lusheen

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lam-sao-ngan-chan-su-dung-chat-kich-thich-tai-le-hoi-am-nhac-post877803.html