Làm sao hóa giải mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình tránh 'tội ác'?

Những mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình không được giải tỏa đã dẫn tới những vụ việc đau lòng gần đây. Nhiều ông chồng bị 'cắt phăng của quý' chỉ vì những mâu thuẫn đời thường nhỏ nhặt. Việc đau lòng này là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức trầm trọng cũng như sự băng hoại các giá trị văn hóa gia đình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đổ nước sôi, cắt “của quý” của chồng vì mâu thuẫn

Nhiều những vụ việc đau lòng đã xảy ra từ những mâu thuẫn gia đình khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Lấy vợ mới được một năm, anh L.Q.H (Phú Thọ) đã không may bị người vợ cầm dao cắt phăng “của quý” của chồng. Nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn gia đình từ điều rất nhỏ nhặt.

Cũng chỉ vì mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống gia đình, bà N.T.T ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã nhẫn tâm làm tổn thương chồng mình. Thấy chồng đang nằm ngủ trên giường, bà T liền bê nồi nước sôi hắt lên người ông. Khi chồng bà vùng dậy, bà dùng chày đập vào đầu ông gây chảy máu. May mắn được can thiệp kịp thời, chồng bà T được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn với thương tích bỏng rộng lên đến hơn 50% cơ thể.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, trên thực tế cũng không ít những trường hợp vợ chồng đánh nhau, giết nhau vì mâu thuẫn gia đình. Ở thời nào cũng vậy, mâu thuẫn gia đình là điều khó tránh. Những mâu thuẫn đó có thể xuất phát từ sự bất đồng quan điểm, tiền bạc hay từ lối sống phóng túng, không chung thủy của vợ hoặc chồng...

Tội ác do mâu thuẫn gia đình rất khó xác định trước. Bởi nhiều mâu thuẫn không phải khi nào cũng phát lộ mà vốn âm ỉ, tồn tại lâu dài như những con sóng ngầm dần làm hao mòn quan hệ. Ngược lại có những án mạng mà mâu thuẫn gia đình nảy sinh và bộc lộ ngay từ đầu thông qua những cuộc tranh cãi, những vụ xô xát, lời qua tiếng lại.

Cuộc sống hiện đại chịu quá nhiều áp lực, mọi người luôn tìm mọi cách giải tỏa để tìm cho mình sự tự do về mặt tinh thần. Nhưng lựa chọn cách làm hại bạn đời để “giải tỏa” như các trường hợp trên là lựa chọn sai cách. Điều đó cũng chỉ vì không biết cách hòa giải mà mâu thuẫn mỗi ngày một sâu sắc dẫn đến bi kịch đau xót.

Cách hóa giải mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình

Theo PGS.TS Trần Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm lý Học, ĐHKHXH &NV Hà Nội cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những án mạng đau lòng từ mâu thuẫn gia đình. Nguyên nhân hiện hữu nhất ở các gia đình là về kinh tế, giáo dục, thực hiện chức năng sinh sản, vấn đề giao tiếp giữa con người với con người. Ở đây nổi bật lên trong những mâu thuẫn trong gia đình là chồng không kiếm được tiền, vợ không kiếm được tiền hoặc cả hai vợ chồng không thể giải quyết được những xung đột mâu thuẫn về mặt kinh tế, các mối quan hệ xã hội…

Điều này cũng phản ánh là khi tiến đến hôn nhân, cả hai không tính toán đủ và chưa cặn kẽ, dẫn tới việc trong quá trình sống chung không tìm được tiếng nói chung cho những xung đột. Khi rơi vào trạng thái dồn nén nhiều, áp lực nhiều đã không kiểm soát được cảm xúc. Và chính những cảm xúc âm tính đó khiến con người ta mất đi lý trí của mình mà hành động theo bản năng. Có gì nảy sinh trong tư duy của họ một cái là ngay lập tức tiến hành như vậy mà không tính toán đến những hậu quả xảy ra.

Để tránh những điều không đáng có từ những mâu thuẫn, khi vợ/chồng đang có mâu thuẫn thì người còn lại cần nén lại để một lúc nào đấy, tất cả cùng ngồi lại với nhau. Cặn kẽ, chung thực, thẳng thắn những điều mình cảm thấy khó chịu để chia sẻ với nhau.

Hơn nữa các cặp vợ chồng cần kiểm soát được những cảm xúc âm tính. Nếu kiểm soát được cảm xúc âm tính thì có những cách thức giải quyết khác phù hợp hơn, tích cực hơn. Đồng thời cần phải thay đổi lời nói cho phù hợp bởi nhiều mâu thuẫn nảy sinh từ chính những lời nói, thái độ khiến cho đối phương không làm chủ được bản thân.

Theo các chuyên gia tâm lý, những sự việc đau lòng trên xảy ra cũng có nguồn gốc từ nhận thức. Nhận thức không đúng về cuộc sống, giá trị của một con người. Khi mà nhận thức sai dẫn tới thái độ với cuộc sống, bản thân con người bị lệch lạc. Bởi vậy họ chọn giải pháp chết, mâu thuẫn hoặc đánh mắng… để giải quyết mâu thuẫn của mình.

Điều mà chúng ta suy ngẫm là vì sao các hành động mất tính người trong gia đình lại gia tăng cả về tần suất và mức độ như hiện nay. Để tránh những mâu thuẫn gia đình âm ỉ mọi người cần nhớ những điều này:

“Chiến tranh lạnh” đừng quá lạm dụng

Im lặng không phải là vũ khí tối thượng bởi mâu thuẫn không nói ra, chia sẻ thì đến một lúc nào đó điều này sẽ gây nhiều bất lợi cho mâu thuẫn gia đình. Nỗi giận hờn âm ỉ lâu ngày dễ bùng phát thành ngọn lửa không kiểm soát.

Chỉ có điều là nói thời điểm nào mới quan trọng. Khi cơn nóng giận qua đi, bình tâm lại, vợ chồng phải trao đổi vấn đề vừa tranh cãi. Ai sẽ là người mở đầu? Với tính tự ái trong nhiều trường hợp sẽ khiến không ai chịu nhượng bộ. Nhưng hãy nhún một bước, sự bắt đầu trước không có nghĩa là tự chấp nhận mình sai.

Cần tôn trọng nhau

Trong cuộc sống cần sự tôn trọng của vợ/ chồng. Ngay khi có những xung đột, vợ chồng cũng cần tránh những lời nói bóng gió, những lời châm biếm mỉa mai hay cách xưng hô lạnh lùng kiểu “mày – tao”, “cô – tôi”… Xung đột chỉ được giải quyết khi hai bên thiện chí và sự tôn trọng lẫn nhau, dù không phải lúc nào cũng đạt được kết quả tức thì. Mỗi người tự đặt cho mình câu hỏi “Nếu ở địa vị của người kia ta sẽ cư xử như thế nào?”.

Cần biết lắng nghe

Khi giải quyết xung đột đừng nghĩ thắng thua là mục đích hàng đầu. Mục đích cuối cùng sau khi “hóa giải” những mâu thuẫn là cả hai hiểu được suy nghĩ của nhau, gắn bó hơn làm cuộc sống thêm hạnh phúc. Bởi vậy biết lắng nghe là điều không thể thiếu.

Trong khi nói chuyện với nhau, hãy chỉ tập trung vào vấn đề cần giải quyết, đừng “Nói dài, nói dai thành ra nói dại” khiến mâu thuẫn tăng thêm. ở các bà vợ thường mắc thói quen này, vì thế ông chồng cần “cầm trịch” tiết chế và ngăn cản kịp thời.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/lam-sao-hoa-giai-mau-thuan-am-i-trong-gia-dinh-tranh-toi-ac-20190717175622128.htm