Làm sao giữ ổn định tâm lý khi giãn cách xã hội

Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi phải dành phần lớn thời gian ở nhà, không có sự ngăn cách rõ rệt giữa công việc và cuộc sống.

Việc dành nhiều thời gian ở nhà gây nên các tác động tâm lý đến một số cá nhân, đặc biệt là nhóm người trẻ tuổi.

“Không thể có cảm hứng”, "hết cả mood", "xung quanh toàn tin xấu", "sợ ở nhà" là cảm nhận chung của nhiều người khi rơi vào tình trạng lo âu, mất bình tĩnh vì cuộc sống thường ngày bị gián đoạn.

Nhận diện nỗi lo âu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc cảm thấy bối rối, căng thẳng, sợ hãi, tức giận khi xảy ra một cuộc khủng hoảng là điều bình thường.

Đặc biệt, thời gian giãn cách xã hội hay cách ly có thể làm gia tăng sự cô đơn, lo lắng, mất ngủ, lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện.

David H. Rosmarin, Phó giáo sư Tâm lý học của ĐH Harvard, cho biết khi căng thẳng, mọi người thường thể hiện qua sự tức giận, hành động bộc phát và nóng giận vô cớ để giải tỏa áp lực. Song điều này mang đến những hậu quả rất khó lường và hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.

Bí quyết giữ ổn định tâm lý

Để giảm thiểu tác động của điều này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên rằng mỗi người nên tiếp tục duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn, uống, ngủ, nghỉ và tập thể dục hợp lý. Ngoài ra, bạn có thể giữ cho bản thân bận rộn và lên kế hoạch trước cho một ngày.

Lập thời gian biểu rõ ràng giúp chúng ta phân định giữa công việc và cuộc sống riêng tư, tránh bị kiệt sức khi phải làm việc, học tập tại nhà.

Tập trung vào những sở thích, khóa học hoặc các dự định chưa có cơ hội thực hiện.

Heidi Kar, chuyên gia tâm lý của tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu EDC, cho hay duy trì kết nối với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp trong thời gian giãn cách là điều quan trọng. Những cuộc trò chuyện ngắn qua video call, chia sẻ cảm xúc với người thân yêu có thể khiến bản thân cảm thấy bớt cô đơn hoặc bị cô lập.

“Giãn cách không có nghĩa là phải cô lập xã hội. Hãy gọi điện cho những người mà bạn tin tưởng, nói về các chủ đề khác ngoài Covid-19. Bạn có thể xây dựng thêm các mối quan hệ khác”, cô Kar nói.

Chúng ta có thể tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, tập các bài tập thả lỏng như thiền, nghe podcast, chương trình yêu thích để thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”. Hạn chế xem, đọc, nghe các tin tức tiêu cực trên TV, mạng xã hội.

Giữ bình tĩnh là một điều tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, mỗi người vẫn phải theo sát thông tin từ chính phủ, không được chủ quan, lơ là. Ý thức phòng, chống dịch là vaccine đẩy lùi Covid-19.

Chỉ tiếp nhận những thông tin đúng để xác định nguy cơ của mình một cách chính xác, có giải pháp hợp lý. Chọn nguồn tin đáng tin cậy từ WHO, Bộ Y tế, chính quyền địa phương và cơ quan báo chí chính thống.

Ngoài ra, sẵn sàng khai báo y tế, làm công tác xét nghiệm nếu được yêu cầu.

Trả lời Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nhận định điều quan trọng nhất hiện tại là giữ bình tĩnh, không hoang mang và tin tưởng vào công tác chống dịch của chính phủ.

“Chúng ta từng giãn cách một lần nên đã có kinh nghiệm từ trước. Không nên tiêu cực thái quá, mỗi người bình tĩnh sẽ góp phần giúp cả xã hội bình tĩnh”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc giữ tâm thế ổn định, lạc quan trước mọi tình huống giúp bản thân suy nghĩ sáng suốt, chấp nhận thay đổi và điều chỉnh theo chiều hướng tích cực hơn.

Phương Thảo

Illustration: Yến Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-sao-giu-on-dinh-tam-ly-khi-gian-cach-xa-hoi-post1222372.html