Làm sao đóng cửa bảo nhau?

thegioitiepthi.vn Người Việt có lời khuyên 'đóng cửa bảo nhau' mỗi khi gia đình có chuyện mâu thuẫn. Lời khuyên ấy cho thấy cái ý nhị, cách sống có văn hóa trong cộng đồng. Xem xét lại các mâu thuẫn xung đột xảy ra trong gia đình, ta có thể thấy lời khuyên này chưa bao giờ là lỗi thời.

Một xung đột điển hình

Vợ chồng anh T. lại cãi nhau. Lúc đầu tiếng cằn nhằn cãi cọ còn nhỏ, sau to dần. Hàng xóm bắt đầu nghe rõ cuộc đấu khẩu khi tiếng chị M. hét lên: “Ông đừng có mà sinh sự. Tôi đi làm đã mệt mỏi lắm rồi, về nhà ông để cho tôi yên tĩnh đi”. Tiếng anh T. gầm lên: “Cô ăn nói kiểu gì đấy? Ý cô là tôi ăn bám phải không?”. “Không biết có ai ăn bám hay không, tôi chỉ muốn được yên ổn đi làm”. “Cô đừng có láo. Thằng này chưa bao giờ để đứa nào phải nuôi nhé”. Mỗi người một câu, đối đáp ngày càng căng thẳng. Rồi hàng chuỗi tiếng loảng xoảng đổ vỡ của đồ vật khiến cho ai nấy giật mình. Hàng xóm lắc đầu thở dài: “ Vợ chồng không biết đóng cửa bảo nhau, lúc nào cũng ầm ĩ. Đến nhức cả đầu”.

.

Vì sao xung đột?

Xung đột xảy ra trong hôn nhân là điều khó tránh khỏi, vì cuộc sống là vô cùng phức tạp. Hai người hai tính cách, đến từ những nền giáo dục gia đình khác nhau, và tùy thực tế cuộc sống mà mỗi lúc lại mang một tâm trạng khác. Những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ xung đột luôn hiện hữu, có muôn ngàn lý do để nó bùng nổ thành xung đột.

Tuy nhiên, xung đột chỉ xảy ra thường xuyên khi hai vợ chồng kẻ tám lạng người nửa cân, không ai chịu thua ai.

Xung đột thường xuyên xảy ra ở những người tính tình nóng nảy, thiếu kiềm chế, ít khi suy nghĩ trước sau. Đó cũng là những người xử sự thiên về cảm tính, thường để cảm xúc dẫn dắt lý trí. Đó cũng có thể là những người quen được chiều chuộng, hoặc sống trong một gia đình thường xuyên có xung đột.

Xung đột cũng thường diễn ra ở những người thiếu kỹ năng giải quyết xung đột, thiếu kỹ năng kiểm soát tình thế. Họ thường để mình rơi vào tình thế bắt buộc phải đối mặt, tình thế mà mỗi bên chỉ có cách làm căng thẳng thêm lên thì mới mới thỏa mãn được tâm lý hiếu thắng lúc đó.

Xung đột để lại hậu quả như thế nào?

Khi nóng lên, xung đột xảy ra, người ta có xu hướng giành phần thắng bằng mọi giá, nên dần dần câu chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Người ta dùng mọi lý lẽ, thậm chí nắm đấm để giành phần thắng, tìm mọi cách xúc phạm nhau, bôi nhọ nhau, làm tổn thương nhau, chỉ để có tâm lý mình là người chiến thắng trong cuộc tranh cãi. Thật ra, đó là cuộc chiến cả hai bên cùng thất bại.

Tục ngữ có câu xấu chàng hổ ai. Khi cãi nhau, khi cả hai cùng tìm cách bôi nhọ nhau, thì hình ảnh của cả hai người đều trở nên xấu xí trong mắt mọi người. Đó là cách xử sự được đánh giá là thô lỗ, cục cằn, thiếu ý tứ, không biết nhường nhịn, thiếu khôn ngoan khi xử lý xung đột. Đó là cách hành xử rất kém văn hóa.

Khi những xung đột thường xuyên xảy ra, thói quen giải quyết mâu thuẫn bằng xung đột sẽ được hình thành. Đó là một thói quen xấu, nó khiến người ta cứ bắt đầu nổi nóng là trượt dài theo lối mòn cũ, đôi co sẽ biến thành xô xát, thậm chí ẩu đả. Cả hai bên đều bị cảm xúc dẫn dắt, không ai tự tỉnh trí lại để tìm lối thoát khác tốt hơn để giải quyết mâu thuẫn.

Những xung đột xảy ra thường xuyên làm tổn thương lòng tự trọng của đối phương, gây ra những vết thương tâm lý không lành. Lần sau, chỉ một động chạm nhỏ, những uất ức tích tụ từ những lần xung đột trước sẽ trỗi dậy, nó khiến cho tốc độ xung đột được đẩy lên rất nhanh, hai bên rất khó làm chủ cảm xúc của mình. Xung đột vì vậy mà xảy ra thường xuyên, có khi từ những lý do hết sức vu vơ.

Khi cha mẹ thường xuyên có xung đột, con cái thường bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Cảm giác buồn bã, bất an, bức xúc choán ngợp, những cảm xúc tiêu cực này ám ảnh trẻ thường xuyên. Cha mẹ không chỉ nêu gương xấu cho con cái, mà còn khiến cho chúng bị ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống hôn nhân sau này.

Giải quyết xung đột như thế nào?

Trong văn hóa của người Việt, cách xử lý xung đột gia đình thường là “đóng cửa bảo nhau”. Cách xử lý này dựa trên nguyên tắc không để cho người ngoài biết mâu thuẫn gia đình. Nó nhằm giữ gìn sĩ diện, giữ gìn thể diện, tiếng tăm cho gia đình, dòng họ, cá nhân. Cách xử sự kín đáo này cũng tránh đẩy cao xung đột để luôn giữ yên ấm, hòa khí trong gia đình. Tuy nhiên, cách giải quyết xung đột trong nội bộ cũng có thể làm cho mâu thuẫn chìm xuồng và tồn tại âm ỉ. Phải giải quyết tận gốc bằng cách đối thoại cởi mở và thiện chí.

Khi xung đột bắt đầu nổ ra, phải hết sức bình tĩnh. Thái độ này là chìa khóa để xử lý sự việc. Cần nhắm mắt, hít thở sâu để trấn tĩnh lại. Tìm cách giảm nhiệt xung đột có thể bằng sự im lặng hay thái độ nhỏ nhẹ ôn hòa, điềm đạm.

Cần có phương án vạch sẵn đường lùi, không để sự việc đẩy đi quá xa. Tránh dùng những lời lẽ xúc phạm, miệt thị đối phương, những cách nói kháy, nói cạnh nói khóe, nói mỉa làm đối phương khó chịu, cách phản ứng lại sẽ càng gay gắt. Tránh nhắc lại chuyện quá khứ, chỉ gói gọn nội dung câu chuyện trong vấn đề cần giải quyết.

Tránh việc bé xé ra to. Nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn cần được cả hai bên tâm niệm là việc to làm ra nhỏ, việc nhỏ thành ra không có gì. Giải quyết mọi việc theo nguyên tắc này, tức là mỗi bên kiềm chế một chút, sự xung đột sẽ dần dần giảm nhiệt.

Phương pháp đối thoại là hết sức cần thiết. Sau khi mọi việc đã qua đi, hai bên bình tĩnh lại, vợ chồng nên ngồi lại với nhau, giống như một cuộc trao đổi cởi mở để rút kinh nghiệm. Lúc này, sự thấu hiểu, đặt mình vào địa vị của đối phương là hết sức cần thiết. Những lần trò chuyện chân tình và thiện chí như thế này sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau, tránh trượt theo vết xe đổ của những lần xung đột cũ.

Xung đột là khó tránh, khó chứ không phải là không tránh được. Hãy để cho những lần xung đột trở thành cơ hội để vợ chồng hiểu nhau hơn, lựa chiều nhau để sống thuận hòa hơn. Phương cách đóng cửa bảo nhau chưa bao giờ mất giá trị trong văn hóa ứng xử của người Việt, mà cũng là cách thức ứng xử của những con người có văn hóa.

HƯNG LỢI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/lam-sao-dong-cua-bao-nhau-7402.html