Làm sao dẹp được nạn trộm đồ công cộng?

Nắp cống của con hẻm mới hoàn thành chỉ tồn tại 1 ngày. Nắp che ở chân cột đèn đường phục vụ cho việc đấu dây điện bị tháo mất. Nắp chụp ống nước cứu hỏa ven đường, các cây bông giấy trồng trên dải phân cách, phao cứu sinh do nhóm thiện nguyện lắp trên các cầu bắc qua sông Hồng, gần như cái gì tháo được, đem đi được, bán được là có thể bị mất cắp ngay từ khi mới lắp đặt.

Tưởng như thủ phạm trộm cắp vặt đó là những người nghiện ngập thiếu tiền mua thuốc, mua rượu nên làm liều. Nhưng xem lại có những chuyện như mất cây bông giấy trồng trên dải phân cách, mất chậu bông đang chưng bày trong đường hoa, không phải chỉ là chuyện “bần cùng sinh đạo tặc”, không phải chỉ do cần tiền nên mới ăn cắp.

Nhiều người cứ vô tư lấy đồ công cộng mang về nhà sử dụng như lấy cây trồng, hái bông, lấy phao cứu sinh… Cần bu lon thay vì mua, đằng này cứ ra cột điện mà tháo. Cần tấm sắt lót để dẫn xe vào nhà đã có sẵn nắp cống. Họ cứ quan niệm mình không lấy người khác cũng lấy. Có lúc họ nghĩ cứ lấy về không xài thì ai cần mình cho lại hay quăng bỏ cũng chẳng chết ai.

Có những thứ trộm xong được mang bán như ve chai, phế liệu nhưng thiệt hại do mất phụ kiện gây ra có khi không hề nhỏ. Thí dụ như cống bị mất nắp có khi gây ra tai nạn cho những người, những phương tiện đi ngang qua đó. Thiết bị tại tủ đèn tín hiệu giao thông bị mất sẽ gây mất an toàn giao thông. Trụ điện mất bù lon gặp gió lớn gây ngã trụ làm mất điện cả một khu vực rộng lớn…

Báo chí đưa tin đã bắt được người trộm nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2. Mặc dù vậy nhưng hành vi này không thể quy kết là phá hoại. Tính theo giá trị chưa chắc có thể xử tù mà chỉ có thể cảnh cáo hay xử phạt hành chánh. Có thể vì vậy mà chuyện mất cắp phụ kiện như đã nói vẫn tồn tại.

Để hạn chế tình trạng mất cắp như đã xảy ra, khi thiết kế các công trình công cộng nên tính đến việc chống trộm (không để dễ tháo gỡ bất cứ bộ phận nào của công trình). Phụ kiện của các công trình công cộng cần có ký hiệu nhận biết để không ai có thể vô tư mua bán (với lý do mình không biết đó là của công). Những nghi can trộm cắp hoặc có hành vi mua bán đồ trộm cắp cần xử nghiêm theo pháp luật và tuyên truyền rộng rãi để răn đe.

Trong một bài hát của học trò mẫu giáo có câu: “Em muốn hái một bông hoa hồng, nhưng cô dặn em đừng hái. Bông hoa này là của chung”. Không biết chương trình giáo dục hiện nay có nhiều nội dung nhắc nhở không được lấy những thứ không thuộc sở hữu của mình, nhất là của chung hay không?

Thiết nghĩ, ngoài những biện pháp nêu trên có lẽ phải dạy cho học sinh biết xấu hổ, biết nhục khi lấy những đồ vật, tài sản không phải là của mình, để ngay từ lúc nhỏ hình thành nên nhân cách tôn trọng tài sản của người khác cũng như tài sản công. Có như vậy, chuyện cắp vặt đồ công cộng mới thật sự chấm dứt.

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202205/lam-sao-dep-duoc-nan-trom-do-cong-cong-951504/