Làm sao để trường học trở thành môi trường an toàn?

Thời gian gần đây, sau khi đoạn clip ghi lại cảnh một giáo viên có hành vi bạo hành học sinh diễn ra tại một trường tiểu học ở quận Tân Phú, TPHCM lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, một lần nữa phụ huynh học sinh đặt câu hỏi cho ngành giáo dục về biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bạo lực học đường, để trường học trở thành môi trường an toàn.

Thầy cô giáo cần nâng cao năng lực, tác phong, kỹ năng sư phạm cần thiết để dạy học. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Thầy cô giáo cần nâng cao năng lực, tác phong, kỹ năng sư phạm cần thiết để dạy học. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Có nên lắp camera giám sát?

Trước đó sự việc cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên ở Hải Phòng đánh nhiều học sinh lớp 2 ngay trong giờ kiểm tra bị phát hiện cũng từ một clip. Điều này khiến một bộ phận dư luận, đặc biệt phụ huynh có thể tin rằng việc lắp camera giám sát trong lớp học là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bạo hành học sinh.

Chị Trần Thị Thảo, ngụ tại quận Tân Bình, có con đang học lớp 4 cho biết: “Tôi cho rằng việc lắp camera trong lớp học là cần thiết. Nó không chỉ giám sát được hoạt động học tập hàng ngày mà còn giúp giáo viên ý thức được hành động của mình trong việc dạy học. Nhắc đến giờ tôi vẫn còn bức xúc với hành động của cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi đánh chảy máu tay con tôi và 4 bạn khác trong lớp chỉ vì quên mặc đồng phục thể dục. Những lúc như thế, phụ huynh cũng chỉ có ý kiến trao đổi với cô hoặc chịu đựng vì sợ cô “đì” con chứ không thể có bằng chứng để kiến nghị lên Ban giám hiệu”.

Tương tự chị Nguyễn Thị Huyền, ngụ tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức cho biết, hiện chị và rất nhiều phụ huynh bức xúc về phương pháp dạy học của cô giáo dạy Anh Văn khối lớp 3 do cô thường xuyên quát mắng, phạt đuổi ra khỏi lớp, không dạy học… khi lớp có 1 vài bạn nói chuyện riêng trong lớp. Phụ huynh có ý kiến với cô và Ban giám hiệu thì bị “đì” khiến tâm lý học sinh vô cùng sợ hãi mỗi khi đến giờ học Anh Văn. Chị Huyền cho rằng, nếu có camera giám sát chắc chắn cô giáo sẽ không dám hành xử như vậy với học sinh.

Thế nhưng, trên thực tế, theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, bắt đầu từ năm học 2017-2018, quận đã có chủ trương lắp đặt camera tại 100% các trường mầm non, cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn quận. Tuy nhiên, với 2 khối tiểu học và THCS, thiết bị này mới được gắn ở một số khu vực như hành lang, cổng trường để đảm bảo an ninh, trật tự…

Tương tự, tại quận Bình Tân, hiện 100% trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn đã gắn camera trong lớp học. Tuy nhiên, với các trường mầm non khối công lập, trường tiểu học và THCS, chủ trương chỉ dừng ở việc động viên, khuyến khích các đơn vị. Cụ thể, toàn quận mới có một trường mầm non công lập và một trường tiểu học gắn camera trong lớp học, các đơn vị còn lại camera chủ yếu được gắn ở một số khu vực tập trung đông học sinh như phía trong và ngoài cổng trường, sân trường, hành lang các lớp học…

Lý giải thực tế này, đại diện Phòng GD-ĐT quận Bình Tân bày tỏ, hiện nay trong tất cả văn bản pháp luật, chưa có điều luật nào quy định trường học phải lắp camera trong lớp học. Do đó, chủ trương dù cần thiết nhưng không thể bắt buộc tất cả các trường cùng thực hiện. Mặt khác, kinh phí để trang bị camera “phủ kín” trường học lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể phần khấu hao, bảo trì. Nếu chỉ dùng tiền từ ngân sách nhà nước thì đơn vị không còn kinh phí để tổ chức các hoạt động khác.

Biện pháp quản lý hiệu quả

Theo các chuyên gia giáo dục, việc lắp camera cũng chỉ là giải pháp khi mà chúng ta chưa có những chế tài, biện pháp căn cơ để chống tình trạng bạo lực trong trường học. Bởi thực tế trên cả nước từng xảy ra nhiều trường hợp giáo viên bạo hành học sinh ngay cả trong phòng học có gắn camera, thậm chí có vụ việc học sinh bị kéo vào góc khuất của lớp học (camera không quét đến) và chịu những hành xử không đúng mực của giáo viên.

Đưa ra giải pháp để hạn chế bạo lực, bà Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft cho rằng, trên hết chúng ta cần tăng cường tiếng nói học sinh. Về phía giáo viên, cần cung cấp cho các họ phương tiện, kỹ năng sư phạm cần thiết để việc dạy học. Mỗi giáo viên khi đến lớp phải là một ngày vui thì mới truyền được năng lượng tích cực cho học sinh. Cùng với đó, khâu tuyển đầu vào phải lựa chọn được những người yêu giáo dục, cảm thấy nghề giáo là chân lý cuộc đời thì mới có thể gắn bó lâu dài.

Ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hàng năm vào dịp hè, Sở GD-ĐT TPHCM đều tổ chức các lớp bồi dưỡng dành cho đối tượng là cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trên địa bàn nhằm nâng cao đạo đức, tác phong, chuẩn mực đối với đội ngũ nhà giáo. Từ những hạt nhân này, mỗi cán bộ quản lý có trách nhiệm về truyền đạt lại cho cán bộ, giáo viên ở đơn vị được phân công phụ trách thông qua các hoạt động sinh hoạt định kỳ trong hội đồng sư phạm.

Ngày 9/10, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã có văn bản chỉ đạo gửi các đơn vị giáo dục về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn TPHCM. Theo đó, các đơn vị giáo dục phải nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường…

Sở GD-ĐT TPHCM cũng chỉ đạo các quận huyện quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cho trẻ. Thường xuyên tổ chức rà soát tình hình hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non. Kiên quyết đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho trẻ. Xử lý nghiêm các trường hợp bạo hành, giữ trẻ không đăng ký.

Ngày 9/10, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản báo cáo và kiến nghị thường trực UBND TPHCM chỉ đạo UBND quận Tân Phú nhanh chóng giải quyết vụ việc bạo hành học sinh tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh. Theo Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, đây là hành vi bạo hành trẻ, không phù hợp với môi trường sư phạm, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý của học sinh và uy tín của ngành.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/lam-sao-de-truong-hoc-tro-thanh-moi-truong-an-toan-113021.html