Làm sao để trở thành 'thủ lĩnh'?

Trong một tổ chức sẽ luôn có một nhóm phi chính thức, gọi là nhóm 'thủ lĩnh', gồm những cá nhân tạo ảnh hưởng lên nhiều người. Bạn có muốn trở thành một thành viên của nhóm đó?

Lợi ích của việc trở thành một cá nhân có sức ảnh hưởng trong tổ chức rất dễ thấy. Bạn sẽ được sự đồng thuận cao từ đồng nghiệp khi đưa ra đề xuất mới, lãnh đạo chú ý đến bạn nhiều hơn, bạn có khả năng cao được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo kế cận trong tương lai, và rất nhiều ưu đãi vô hình khác. Tuy nhiên, theo chuyên gia huấn luyện kỹ năng người Mỹ Nick Morgan, việc tạo sức ảnh hưởng là vô cùng khó khăn. Không dễ để có thể dẫn dắt các cá nhân xung quanh mình, đặc biệt là ở thời đại rất nhiều thông tin và yếu tố giải trí chi phối con người hàng ngày.

Vậy, một thủ lĩnh tinh thần sẽ có gì? Theo các chuyên gia nhân sự, một người có sức ảnh hưởng cần hội tụ đủ 3 yếu tố: chuyên môn, đạo đức, và lợi ích. Điều kiện tiên quyết là chuyên môn, chỉ có kiến thức vững và năng lực thực thi giỏi mới có thể tạo ra uy tín với người khác. Yếu tố thứ hai không thể thiếu là đạo đức, một “thủ lĩnh” chỉ có thể tạo ra sự nể phục khi có đạo đức tốt. Có cả chuyên môn và đạo đức, tự khắc cá nhân sẽ được tổ chức lắng nghe. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng còn phải hội tụ thêm lợi ích. Nếu một cá nhân không tạo ra các lợi ích (về chuyên môn hoặc đời sống) cho mọi người xung quanh mình thì cũng khó lòng duy trì ảnh hưởng.

Làm sao tạo ra sức ảnh hưởng?

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp BMSGroup Global nói rằng, não người đưa ra quyết định theo 2 hướng: lý trí hoặc cảm xúc. Giống như phương pháp bán hàng cho phụ nữ, những người bán hàng sẽ tìm cách khiến phụ nữ cảm thấy yêu thích sản phẩm rồi ra quyết định mua hàng; để tạo sức ảnh hưởng trong tổ chức, bạn cần dẫn dắt mọi người tới những nhận định về mình dựa trên các cảm xúc tốt. Ông Hoàng đưa ra mô hình 3 bước để tạo sức ảnh hưởng cá nhân trong tổ chức như sau:

1. Giai đoạn gây sự thiện cảm, tìm hiểu cơ bản về nhau

Điều đầu, tiên bạn phải giải quyết là những cuộc giao tiếp, làm sao để mọi người luôn thấy thiện cảm với mình. Theo Nguyễn Minh Trang, huấn luyện viên phát triển năng lực cá nhân ở viện đào tạo NLP, không cần mất quá lâu để một người có thể tạo lập sự tin tưởng lên người khác. Chìa khóa đơn giản nhất để người khác tin tưởng khi giao tiếp là phải giao tiếp giống họ, ngôn ngữ cơ thể quyết định 55% tới khả năng tạo thiện cảm với người đối thoại. Bạn có thể hạ thấp tông giọng, nói chậm lại, và tạo ra các cử chỉ trên cơ thể (dáng ngồi, sắc mặt, động tác tay, chớp mắt…) tương đồng với người đối diện.

2. Lắng nghe được tất cả mong muốn

Cách tốt nhất để khiến các đồng nghiệp luôn ủng hộ bạn trong công việc là làm cho họ cảm thấy được lắng nghe. Bạn có thể hỏi quan điểm của họ trong các vấn đề công việc, hay cuộc sống. Tuy nhiên, nếu thường xuyên thực hiện các cuộc gặp gỡ ngoài môi trường doanh nghiệp và cố định chỉ với một vài người, bạn sẽ dễ bị hiểu lầm là đang tìm cách chia bè, kết phái. Việc lắng nghe, sẽ giúp bạn dần nắm bắt được các vấn đề của tổ chức, mong muốn cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, điều cốt lõi là bạn phải thực sự muốn hòa nhập vào tổ chức, các hành động của bạn cần xuất phát từ sự quan tâm.

3. Giải quyết được các mong muốn đó

Khi đã nắm bắt được mong muốn của mọi người, bạn sẽ phải chứng tỏ mình sẽ giải quyết được các vấn đề khúc mắc. Các vấn đề có thể chỉ nằm ở chuyên môn, nhưng cũng có nhiều thứ cần đến các kỹ năng mềm khác. Đây chính là lúc quyết định bạn có thể tạo ra sức ảnh hưởng hay không.

Làm gì với các thủ lĩnh?

Lãnh đạo tất nhiên cần có những nhân viên mang tính ảnh hưởng để dẫn dắt đội nhóm, nhưng với điều kiện mục tiêu của nhân viên và công ty phải cùng chung hướng, và hơn hết là lợi ích của công ty không bị xâm hại. “Có một giám đốc khu vực của một doanh nghiệp có chuyên môn rất giỏi, một mình tạo lập được cả hệ thống bán hàng tại miền Trung. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, anh ta yêu cầu ban lãnh đạo công ty phải giao toàn bộ nhà xưởng sản xuất và tách hẳn khu vực miền Trung thành một công ty độc lập dưới sự lãnh đạo của mình. Lãnh đạo công ty không còn cách nào khác ngoài quyết định cho nghỉ việc vì mục tiêu của cá nhân đã lệch hướng so với doanh nghiệp”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo chị Trần Thùy Linh – cựu giám đốc nhân sự công ty giải pháp marketing Eway, sở hữu một nhân viên ảnh hưởng luôn là vấn đề có tính hai mặt. Điều quan trọng nhất phải nằm ở khâu tuyển dụng, khi kiếm một người và đưa vào trong đội ngũ của mình thì ngay từ đầu họ phải có cùng nền tảng giá trị với lãnh đạo. Đầu tiên là giá trị về đạo đức, sau đó là các quan niệm làm việc phải giống nhau. Một lãnh đạo doanh nghiệp không thể lúc nào cũng lo lắng về các nhân sự đang có sức ảnh hưởng sẽ phá hủy công ty. Muốn vậy, trước tiên người đứng đầu doanh nghiệp phải hiểu bản thân mình, từ đó mới có thể tìm được giá trị chung. Tuy nhiên, các giá trị theo đuổi giữa nhân viên và sếp có thể sẽ khác nhau nhưng vẫn chấp nhận được dựa trên nền tảng về sự tử tế, nếu từng hành động nhỏ nhất của nhân viên đều xuất phát từ lòng tốt – thứ không thể nào ngụy tạo được.

Một lo lắng khác của các chủ doanh nghiệp là khi công ty có rất nhiều tiếng nói lớn thì tình hình sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Lo ngại này là không cần thiết nếu các thủ lĩnh tinh thần hội đủ 3 yếu tố đã nêu ở trên. Họ sẽ biết mình ở đâu, và ít khi tạo ra mâu thuẫn hay tranh chấp. Dù vậy, việc “chăm sóc tinh thần” cho nhóm thủ lĩnh là rất quan trọng, như ở công ty cũ của chị Linh, ban lãnh đạo đã tạo ra một chương trình huấn luyện các thủ lĩnh tiềm năng. Chương trình này tập hợp các nhân viên giỏi, có sức ảnh hưởng tại công ty, rồi cho họ gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng có chuyên môn và thái độ sống tích cực nhằm thúc đẩy các giá trị về tinh thần và đạo đức. Điều này giúp nhóm “thủ lĩnh” tập trung tới những biểu tượng tốt đẹp, giảm “cái tôi” để cùng theo đuổi mục tiêu của công ty.

Theo doanhnhanonline

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/lam-sao-de-tro-thanh-thu-linh-134506.html