Làm sao để trẻ nghe lời?

Thật cay đắng khi sự thật là phần lớn những đứa trẻ không nghe lời lại là do bố mẹ đã sai cách.

Bình tĩnh, nhất quán và vững vàng

Để trẻ em nghe lời 100% đó là điều không tưởng, trẻ em luôn thay đổi, lúc thế này lúc thế kia và có thể cáu giận khó kiểm soát. Những lúc vậy, bố mẹ cần thật bình tĩnh, đừng bộc lộ sự sợ hãi hoặc thái độ thù địch, bởi nó càng khiến trẻ đi xa hơn. Hãy bao dung nhiều hơn với trẻ, cho trẻ được phép sai lầm để từ đó hướng dẫn trẻ. Đừng để trẻ ở thế "thù địch", hãy là người bạn đồng hành với trẻ thì con sẽ dần nghe lời.

Không chỉ tay vào mặt trẻ khi dạy dỗ. Đó là nguyên tắc của sự tôn trọng. Ảnh minh họa.

Không chỉ tay vào mặt trẻ khi dạy dỗ. Đó là nguyên tắc của sự tôn trọng. Ảnh minh họa.

Hãy tôn trọng trẻ như một người lớn

Có một nguyên tắc bạn luôn phải nhớ, bạn chỉ có được sự tôn trọng khi trao sự tôn trọng đó cho người khác. Trẻ em cũng vậy, hãy bao dung, kiên nhẫn và thực sự tôn trọng trẻ. Tôn trọng trẻ trong hành động, trong lời nói thì trẻ sẽ cảm nhận được và thực hành theo.

Thực tế, trẻ em cũng là một cá nhân riêng biệt, cần được tôn trọng. Dù cho trẻ làm sai, bố mẹ cũng không nên cư xử thái quá như: đánh đập, nhiếc móc,… làm tổn thương đến thể chất và tinh thần của trẻ. Khi bố mẹ tôn trọng trẻ, trẻ cũng sẽ học cách tôn trọng người khác thông qua bắt chước.

Không đáp ứng những yêu sách của con

Rất nhiều đứa trẻ trở nên bướng bỉnh và ích kỷ hơn bởi chính sự chiều chuộng quá mức của bố mẹ. Các bé có tính cách này sẽ luôn giận dữ khi không được đáp ứng yêu cầu. Chúng rất hay gào thét, thậm chí la hét, ăn vạ với bố mẹ ở chốn đông người.

Nễu lỡ trẻ mang tính cách này, bạn vẫn có cách sửa sai cho con. Khi bé gào toáng hoặc ăn vạ, bạn nên đưa con đến chỗ ít người qua lại. Sau đó hãy bình tĩnh và chờ con bình tĩnh lại, đồng thời giải thích cho con hiểu. Hãy khéo léo giữ nguyên quyết định ban đầu để trẻ hiểu thái độ kiên quyết của bạn.

Cần có sự nhất quán trong gia đình

Khi bố mẹ đặt ra một quy định hoặc giới hạn nào đó, hãy cố gắng thể hiện một cách rõ ràng và đừng thay đổi nó. Nó sẽ giúp con bạn hiểu được, ghi nhớ tốt hơn và tạo thành một thói quen.

Là cha mẹ, bạn cần phải nhớ điều này. Những quy tắc trong gia đình cần phải có sự tôn trọng và tuân thủ thực hiện của tất cả các thành viên. Nếu trẻ nhận thấy bố nói một kiểu, rồi mẹ lại nói kiểu khác thì trẻ sẽ rơi vào hoang mang, không phân định được đúng sai. Sau cùng trẻ sẽ trượt dài trong việc khó phân định, không nhất quán và trở nên không nghe lời. Giữa các anh chị em với nhau, cần nhất sự công bằng. Khi đó, trẻ sẽ "tuân thủ" tuyệt đối và nghe lời từ tiềm thức.

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/lam-sao-de-tre-nghe-loi-20210119102007936.htm