Làm sao để 'Tôi không hoang mang' ?

Trong hội trường của một trường đại học, khi được hỏi: 'Bạn nào cảm thấy mình đang hoang mang?', hơn 90% cánh tay của sinh viên đưa lên. Và đây cũng là thực tế chung của rất nhiều người trẻ.

Sinh viên chia sẻ những hoang mang của mình - Ảnh: Nữ Vương

Có rất nhiều lý do khiến chúng ta gặp và phải chống chọi với cảm giác này trong cuộc sống. Nhiều bạn trẻ hoang mang vì không biết tương lai mình sẽ như thế nào, không biết ngành mình đang học ra trường có kiếm được việc làm hay không, hay thậm chí hoang mang vì không biết mình thật sự thích điều gì.

Trong buổi tọa đàm “Tôi không hoang mang” được tổ chức tại một trường ĐH ở TP.HCM tối 20.4, hai diễn giả là Thi Anh Đào và Lương Nguyễn An Điền đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Cũng đâu có sao

Vừa bắt đầu buổi tọa đàm, Khánh Ngọc, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã chia sẻ nỗi hoang mang của mình: “Mới tối hôm qua em không ngủ được vì không định hướng được sau này sẽ ra sao. Bản thân em chọn ngành môi trường vì khi học lớp 10 em suy nghĩ rất đơn giản là mình yêu thiên nhiên, thích trồng cây, thích nhìn bầu trời nên chọn, nhưng khi theo học thì thấy không đơn giản như vậy. Bây giờ em thấy tương lai mình mù mịt nhưng lại không thể bỏ cuộc được vì học 3 năm rồi, tốn quá nhiều học phí của gia đình, thế là em cứ mặc cho dòng đời đưa đẩy”.

Cũng giống Ngọc, Trần Thị Thúy Duyên, học ngành xã hội học, chia sẻ: “Mình hoang mang từ khi mới bước chân vào đại học. Vì ước mơ và đam mê của mình đã đánh mất từ khi rớt nguyện vọng 1 ngành luật và rồi “lạc chân” vào ngành xã hội học. Cụm từ xã hội học rất rộng nên mình không biết ra trường sẽ làm gì. Rồi tương lai sẽ ra làm sao. Vì không có động lực nên mình học như đối phó”.

Trước những chia sẻ của sinh viên, diễn giả An Điền cho rằng hoang mang cũng đâu có sao. Vì hoang mang ở một góc nhìn khác lại là điểm bắt đầu để có được những quyết định, sự lựa chọn đúng đắn hơn cho tương lai. Và hầu như ai cũng có hoang mang và lứa tuổi nào cũng có hoang mang.

Đám đông chưa chắc bao giờ cũng đúng

Đừng đặt áp lực là mình phải kiếm nhiều tiền như người ta, phải giỏi như người ta. Mà hãy chắc chắn cái muốn đó đến từ bản thân mình, chỉ khi đó mới đủ sức chạy đường dài

Thi Anh Đào

Chị Anh Đào kể, chị dành cả tuổi thanh xuân để làm truyền thông, và đã từng nghĩ nếu ra khỏi ngành này thì chắc không biết phải làm gì và thế là chị cũng hoang mang. Chính vì thế, chị Anh Đào cho rằng hoang mang có thể tái diễn ở bất cứ thời điểm nào và lứa tuổi nào.

“Cho dù bây giờ các bạn hết hoang mang và lựa chọn được một điều gì đó thật sự thích để lao vào làm nhưng sau này vào những thời điểm khác nhau cũng sẽ có những sự hoang mang khác nhau. Điều quan trọng là mình làm gì với sự hoang mang đó. Biết được mình hoang mang là đã thành công bước 1, bước 2 là làm gì với sự hoang mang đó và xử sự như thế nào với nó”.

Chị Đào nhấn mạnh: “Thực ra là các bạn chưa rõ mình muốn cái gì, nếu các bạn biết được mình muốn đủ nhiều, thích đủ nhiều thì sẽ không còn hoang mang nữa mà sẽ lao vào làm”.

Nói về nguyên nhân dễ dẫn đến bản thân trở nên hoang mang, anh Điền cho rằng mỗi bạn trẻ nên tránh xa hiệu ứng đám đông và đừng nhìn vào đám đông mà gây áp lực cho chính bản thân mình rồi luôn có cảm giác hoang mang.

“Hoang mang của các bạn bây giờ thường đến từ đám đông. Đừng nhìn sang xung quanh nhiều quá. Tránh xa đám đông ra, bắt đầu ngồi tĩnh lặng để suy nghĩ xem mình thật sự thích cái gì. Cỏ bên kia hàng rào chưa chắc đã xanh hơn và đám đông chưa chắc bao giờ cũng đã đúng. Hãy bớt áp lực con nhà người ta đi”, anh Điền khuyên.

Chị Đào cũng đồng quan điểm: “Đừng đặt áp lực là mình phải kiếm nhiều tiền như người ta, phải giỏi như người ta. Mà hãy chắc chắn cái muốn đó đến từ bản thân mình, chỉ khi đó mới đủ sức chạy đường dài. Đừng muốn vì ba mẹ, đừng muốn vì nhìn thấy người xung quanh giàu sang, giỏi rồi mình mong muốn cũng được như vậy”.

Chị Đào khuyên, trước những lúc hoang mang hãy tự hỏi bản thân mình muốn gì? Thì tự khắc sẽ có động lực để vượt qua.

“Hãy bình tĩnh mà hoang mang. Khi chúng ta nhìn thấy bi quan nhưng nhìn ra cách giải quyết thì sẽ lạc quan trở lại. Hoang mang không đáng sợ, nhưng đáng sợ nhất là không biết mình đi đâu về đâu, không biết mình đang hoang mang. Khi mình hoang mang mà biết được thì mới tìm cách để giải quyết. Và hoang mang đến từ trong chính mỗi người nên chỉ có mình mới giải quyết được những hoang mang đó”, chị Đào nói.

Tọa đàm được trình bày (và chủ trì trao đổi) bởi 2 diễn giả: Thi Anh Đào (ảnh, trái), đại diện VN đầu tiên được tạp chí Campaign Asia-Pacific vinh danh là 1 trong 40 gương mặt Women to Watch của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhà báo Lương Nguyễn An Điền (ảnh, phải), tốt nghiệp thạc sĩ báo chí tại Đại học Columbia ( New York- Mỹ).

Nữ Vương

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/lam-sao-de-toi-khong-hoang-mang-955178.html