Làm sao để thúc đẩy 'mắt xích' thanh toán quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu?

Thanh toán quốc tế là mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền hoạt động kinh tế quốc dân, đặc biệt trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, khi các quốc gia đều đặt kinh tế đối ngoại lên hàng đầu, coi hoạt động kinh tế đối ngoại là con đường tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước thì vai trò của hoạt động thanh toán quốc tế ngày càng được khẳng định.

Chia sẻ tại Hội thảo Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động Logistics, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải… đang là nhu cầu đặt ra rất cấp bách đối với Việt Nam.

Gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa là nhu cầu cấp bách tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Liễu, Giảng viên Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cũng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của thanh toán quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nước ta thời điểm này. Bà Liễu cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam không ngừng gia tăng theo các năm, tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán quốc tế ngày càng phát triển. Thanh toán quốc tế được thực hiện dựa trên 3 phương thức cơ bản: chuyển tiền, nhờ thu và Tín dụng chứng từ (L/C); trong đó phương thức chuyển tiền chiếm tỷ trọng doanh số thanh toán cao nhất (năm 2017 chiếm 50.6%), phương thức nhờ thu chiếm doanh số thanh toán thấp nhất (năm 2017 chiếm 37.4%)

Hoạt động thanh toán quốc tế đang tạo ra những cơ hội lớn đối với Việt Nam như: Chính phủ chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thông qua Nghị định số 101/2012/NĐ-CP và 80/2016/NĐ-CP; Các ngân hàng Việt Nam có xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động thanh toán giúp tự động hóa quá trình thanh toán, đẩy nhanh tốc độ, giảm chi phí; Các ngân hàng nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình quản trị kinh doanh hiện tại sang mô hình ngân hàng số thông minh, thanh toán không cần giấy tờ.

Bên cạnh đó, Bà Liễu cũng chỉ ra hàng loạt thách thức lớn, mà nếu không vượt qua, Việt Nam sẽ rất khó để phát triển lĩnh vực này: Rào cản pháp lí về phương tiện thanh toán trong thời đại công nghệ 4.0: Chưa quy định tiền điện tử là phương tiện thanh toán hợp pháp, tiền ảo bị cấm lưu hành; Các ngân hàng quen với mô hình quản trị và thanh toán truyền thống sử dụng con người và giấy tờ để quản lý các giao dịch; Năng lực cơ sở hạ tầng mạng thông tin yếu kém: Khả năng sẵn sàng áp dụng các công nghệ mới nhất ở Việt Nam rất thấp, đứng ở vị trí 112/137 nước.

Tốc độ băng thông rộng cố định ở mức 91.3kb/s/user, thấp hơn 10 lần so với Singapore; Nguồn nhân lực am hiểu về lĩnh vực tự động hóa, robot, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D... còn hạn chế. Đặc biệt, vấn đề đảm bảo an ninh trong hoạt động thanh toán là việc vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Phương Mai

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/lam-sao-de-thuc-day-mat-xich-thanh-toan-quoc-te-trong-hoat-dong-xuat-nhap-khau-d151040.html