Làm sao để thu hút nhà đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang 'ẩn dật'?

Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang trở thành xu thế phát triển hiện nay, bên cạnh lợi thế phát triển cũng đặt ra không ít những thách thức lớn.

Tại Việt Nam, khởi nghiệp ĐMST đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của tạp chí Echelon (Singapore) - một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, nước ta hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp).

Tại Hội thảo "Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam", các chuyên gia cho biết, hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước có sự tăng trưởng cao và bài bản hơn năm 2016. Hiện nước ta có khoảng 30 cơ sở ươm tạo (BI) và 10 tổ chức thúc đẩy Kinh doanh (BA), tăng thêm 10 vườn ươm và 3 tổ chức thúc đẩy Kinh doanh so với năm 2016. Trong số đó có một số tên tuổi tiêu biểu như: Vườn ươm doanh nghiệp CNC Hòa Lạc; Vườn ươm doanh nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh; Vườn ươm Đà Nẵng (DNES); Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC); Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin ĐMST Hà Nội...

Quang cảnh Hội thảo "Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam". (Ảnh: Ngọc Xen).

Lợi thế đối với doanh nghiệp ĐMST tại Việt Nam

Hội thảo khẳng định, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ đối với các doanh nghiệp ĐMST, bởi vốn lao động là nguồn lực to lớn, cùng với sự tiếp cận rộng rãi internet góp phần gia tăng lợi ích toàn cầu hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, người trẻ có cơ hội tiếp cận với giáo dục quốc tế, phát huy tính năng động và sáng tạo vốn có.

Trong năm 2017, Bộ KH&CN cũng đã phối hợp tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn khởi nghiệp APEC vào tháng 9 năm 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh (APEC Star-up Forum) với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp khởi nghiệp, hơn 30 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, các đại diện của Việt Nam và quốc tế về khởi nghiệp ĐMST, 17 doanh nghiệp đã tham gia cuộc thi thuyết trình. Trong đó, công ty SeedTech đã giành được giải thưởng star-up Sáng tạo, công ty Ecomedic (phát triển hệ sinh thái y tế) và công ty SenTechs (phát triển nền tảng mua/thuê sách giáo dục) đã đạt giải star-up sáng tạo bền vững, Gcall (giải pháp tổng đài số) đã đạt giải star-up Triển vọng.

Vào tháng 9/2017, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo Liên kết vùng Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Hải Phòng, thu hút sự tham gia đông đảo của Sở, ban, ngành. Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp đạt giải nhất trong sự kiện này - Gonow, mặc dù mới chỉ thành lập được 6 tháng, hiện đã được Tập đoàn Viettel mua lại 30% cổ phần.

Ngày 03/11/2017, sự kiện Liên kết vùng Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Thái Nguyên đã được tổ chức tại Đại học Nông Lâm, Thái Nguyên. Những hoạt động này sẽ tạo lập cơ hội để các địa phương liên kết, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển tiềm năng khởi nghiệp của địa phương, đồng thời giới thiệu, phát huy tiềm năng khởi nghiệp của địa phương tới các đối tác, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Bà Phan Hoàng Lan - Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế ở Việt Nam là rất lớn. Số lượng giao dịch có sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế chiếm hơn 30%, đồng nghĩa với việc cơ hội phát triển của các doanh nghiệp ĐMST tại nước ta là rất tiềm năng.

Bà Phan Hoàng Lan phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ngọc Xen

Thách thức đối với doanh nghiệp ĐMST tại Việt Nam

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho biết khó khăn trong khởi nghiệp ĐMST vẫn còn trải dài ở phía trước, bởi Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư cho giáo dục khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học thấp, nguồn lực đầu tư khởi nghiệp ĐMST cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ... còn hạn chế.

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập KisStarup cho biết, trong thời gian qua, còn khá nhiều doanh nghiệp dường như thờ ơ, nằm ngoài cuộc đối với việc đầu tư, vận hành cùng với star-up. Từ đó mong muốn công tác truyền thông phải mạnh mẽ hơn, tạo thu hút đối với các nhà đầu tư hiện còn đang "ẩn dật".

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập KisStarup. Ảnh: Ngọc Xen

Trong năm 2017, 2018, Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN thuộc Bộ KH&CN đã tích cực triển khai nhiệm vụ "Truyền thông truyền thống về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo" với nhiều kết quả nổi bật như bài báo về Cam kết đầu tư, clip về Nhu cầu cố vấn và vai trò của cố vấn khởi nghiệp, phóng sự về đào tạo - yếu tố quan trọng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Ngọc Xen

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/lam-sao-de-thu-hut-nha-dau-tu-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-dang-an-dat-d148783.html