Làm sao để tăng hiệu quả truyền thông an toàn thực phẩm?

Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm thời gian qua, ngoài nguyên nhân chủ quan do tâm lý hám lợi của người sản xuất, kinh doanh còn có nguyên nhân do công tác truyền thông về vấn đề an toàn thực phẩm còn hạn chế, do vậy đòi hỏi nâng cao chất lượng công tác này là cấp thiết, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hiện nay việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Thu Hà

Truyền thông về thực trạng an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Nhà nước và các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này, tuy nhiên, kết quả thu được vẫn còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trước thực tế nêu trên, ngày 5/4/2018, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Hợp tác truyền thông An toàn thực phẩm”.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011- 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai … Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra.

Việc bảo quản lương thực thực phẩm không đúng quy cách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển đã dẩn đến các vụ ngộ độc thực phẩm. Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư.

Từ thực tế trên có thể thấy thực trạng thực phẩm ở nước ta hiện nay đã tới mức báo động đỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe và cả tính mạng của cộng đồng.

Điều này đặt ra vấn đề việc truyền thông trong lĩnh vực ATTP cần được đặc biệt coi trọng. Theo đại diện Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, truyền thông ATTP cần hướng mạnh tới cả bốn cấp độ của con đường thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, tạo dựng niềm tin và thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng về ATTP.

Bên cạnh đó, truyền thông ATTP cần bán sát theo chuỗi giá trị của sản phẩm theo mô hình: “Từ trang trại đến bàn ăn”, bao gồm các khâu Sản xuất, Chế biến, Bảo quản, Vận chuyển, Phân phối và Tiêu dùng. Mỗi sản phẩm được gọi là an toàn cần phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn ở tất cả các khâu, các công đoạn của chuỗi giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, truyền thông cần hướng tới mục tiêu kết nối được thực phẩm sạch/các địa chỉ xanh với người tiêu dùng, đồng thời công khai được cơ sở vị phạm ATTP/các địa chỉ đỏ trên phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết, tạo dựng dư luận xã hội tẩy chay những sản phẩm của những cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản không đảm bảo ATTP; tôn vinh những cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm ATTP.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lam-sao-de-tang-hieu-qua-truyen-thong-van-de-an-toan-thuc-pham.aspx