Làm sao để người Việt bỏ bớt thói quen dùng tiền mặt?

Hiện nay, các giải pháp thanh toán di động và kỹ thuật số đã phát triển và nhiều tiện ích nhưng trong khi đó tại Việt Nam, người tiêu dùng vẫn thích xài tiền mặt.

Đó là vấn đề được các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia bàn thảo tại Hội thảo "Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Hiệp Hội thương mại điện tử VN (VECOM) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (Napas) tổ chức tại TP.HCM vào sáng 11.6.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng thực tế, thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011.

Còn theo Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

Số liệu trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng thực tế tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhận định.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee, nhận định rằng thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn ở mức khiêm tốn. Mỗi ngày có vài chục ngàn đơn hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Tại 7 nước mà Shopee đang hoạt động thì Việt Nam có tỉ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất. Tất cả đã tự động, điện tử rồi nhưng khâu quan trọng nhất lại là thu tiền mặt.

“Người tiêu dùng của chúng tôi tuyệt đại đa số là người trẻ dưới 35 tuổi. Các nước không dùng tiền mặt, còn VN thì lại dùng tiền mặt", ông Tuấn Anh nói.

Lý do, theo ông Tuấn Anh, không chỉ đơn giản là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt. Về quy trình xây dựng ví điện tử vẫn có nhiều rào cản.

Chẳng hạn, trên app của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước. "Đây là hạn chế thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng", ông Tuấn Anh nhận định.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho biết lượng ủy thác thanh toán dịch vụ công, điện nước chiếm 75%, trong đó 80% ủy thác qua online. Tuy nhiên, điểm nghẽn trong thanh toán không tiền mặt dịch cụ công là nhu cầu tâm lý của người dân.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.

Do vậy, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong những năm gần đây, Chính phủ đã hết sức quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4.

Điều quan trọng là tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công. Ngành ngân hàng, theo Phó Thủ tướng, cũng phải đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế.

Gia Miêu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/lam-sao-de-nguoi-viet-bo-bot-thoi-quen-dung-tien-mat-738435.ldo